G7 đạt tiến triển về thương mại, song vẫn bất đồng về biến đổi khí hậu

(Baonghean.vn)- Các nguồn tin ngoại giao ngày 27/5 cho biết lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Đây được coi là thắng lợi lớn của hội nghị, vượt lên lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tuyên bố ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.


Ngoài ra, điểm sáng trong hội nghị là sự đồng thuận cao đối với các vấn đề quốc tế nóng bao gồm Syria và Triều Tiên. 

G7 đạt tiến triển về thương mại, song vẫn bất đồng về biến đổi khí hậu và mối quan hệ với Nga. Ảnh: AP
G7 đạt tiến triển về thương mại, song vẫn bất đồng về biến đổi khí hậu và mối quan hệ với Nga. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì “thế cô lập” với 6 quốc gia G7 khác xung quanh thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Washington đòi hỏi thêm thời gian để quyết định liệu có ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không. Các nhà ngoại giao đã họp xuyên đêm nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền mới của Mỹ và các đồng minh gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản trong nhiều vấn đề gai góc, như thương mại, môi trường và mối quan hệ với Nga.

Một quan chức ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết: “Cuối cùng chúng tôi đã thuyết phục Mỹ đề cập tới cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong thông cáo chung cuối cùng, dự kiến công bố vào tối nay. Đó là một bước tiến.” 

Một nhà ngoại giao cấp cao Pháp thì cho biết: “Dĩ nhiên chúng tôi mong muốn Mỹ cam kết, song chúng tôi cần phải thực tế. Tổng thống Trump đã tham gia đối thoại, đặt câu hỏi, đón nhận các tranh luận và ở lại cuộc chơi”.

 Tiến hành thảo luận tại một khách sạn hạng sang nhìn ra bờ biển Địa Trung Hải, chủ nhà Italy hy vọng hội nghị sẽ tập trung vào khủng hoảng di cư châu Âu và vấn đề của các nước láng giềng châu Phi. Sự chia rẽ trong nội bộ G7 và vụ đánh bom đẫm máu tại Manchester (Anh) hồi đầu tuần qua đã phủ bóng đen lên chương trình nghị sự của hội nghị, song trong ngày họp cuối cùng 5 nhà lãnh đạo châu Phi cùng với lãnh đạo các cường quốc thế giới đã thảo luận tiềm năng của châu lục.

Các nhà lãnh đạo G7 có cuộc gặp “thách thức nhất” trong nhiều năm qua. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo G7 có cuộc gặp “thách thức nhất” trong nhiều năm qua. Ảnh: AP

Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou hối thúc G7 áp dụng các biện pháp khẩn cấp chấm dứt khủng hoảng tại Libya –xuất phát điểm của hàng trăm nghìn người di cư muốn kiếm tìm một cuộc sống mới tại “miền đất hứa” châu Âu. 

Một vấn đề nữa gây đau đầu các lãnh đạo G7 là việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Nga do sự can dự của nước này tại Ukraine. Việc Tổng thống Mỹ cam kết hàn gắn quan hệ với Moskva đặt ra nghi vấn về cam kết của Washington đối với các lệnh cấm vận. 

Tổng thống Mỹ sẽ quay lại Washington vào cuối ngày hôm nay, kết thúc chuyến công du 9 ngày tới Trung Đông và châu Âu – chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Giới chức Mỹ cho rằng Tổng thống Trump đã có các cuộc đối thoại thiết thực với các đồng minh tại Sicily, và học hỏi được rất nhiều – đặc biệt trong cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu./.

Lan Hạ

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới