Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên: ICBM là gì và điều gì tiếp theo xảy ra?

(Baonghean.vn)- Triều Tiên đã tuyên bố phóng thử lần đầu tiên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), một vũ khí tầm xa, mà theo giới phân tích quân sự có thể vươn tầm đến Alaska.

Nếu được xác nhận, vụ phóng sẽ đánh dấu bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân của chính quyền cô lập này, vốn nhằm mục đích chế tạo một vũ khí hạt nhân có khả năng vươn đến lục địa Mỹ.

Vậy một tên lửa đạn đạo liên lục địa hoạt động như thế nào?

ICBM là các tên lửa tự dẫn đường nhắm mục tiêu bằng cách bay qua không khí hay ngoài không gian. Đúng như tên gọi, tên lửa này có khả năng bay với khoảng cách lớn, từ châu lục này đến châu lục khác.

Vận tốc trung bình của một ICBM là khoảng 1,6 km/s, với tầm bay tối thiểu là 5440 km. Do đó, tên lửa này siêu việt hơn IRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường) và MRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung), mà Bình Nhưỡng đã phóng thử bằng cách bắn vào vùng biển Nhật Bản. Các tên lửa được thiết kế mang đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn sinh học. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa sẽ  biến Manhattan “thành tro” và “phá hủy toàn bộ lãnh thổ Mỹ” với một vụ tấn công hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa Hwasong-12. Ảnh: AP
Tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa Hwasong-12. Ảnh: AP

Tên lửa mới nhất khác gì các tên lửa trong quá khứ?

Triều Tiên liên tục phóng thử các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng dường như đây là lần đầu tiên một tên lửa có khả năng bay xa hơn 5440 km.

Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng đã phóng thử một tên lửa với tầm bay 784 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Giới phân tích nhận định tên lửa mới nhất mà Triều Tiên phóng thử nằm trong ngưỡng lý thuyết của một ICBM.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không làm giàu hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey cho rằng: “Đó chính là ICBM”.

Tuy nhiên giới chức Hàn và Mỹ cho rằng tên lửa được phóng ngày 4/7 dường như là tên lửa tầm trung- không khác gì với các vụ phóng trước đây. Chỉ khác là tên lửa phóng hồi tháng 5 là Hwasong 12, còn tên lửa mới nhất là Hwasong 14. Đây có thể coi là một bước nâng cấp của tên lửa loại này.

Mỹ có thể tự bảo vệ trước ICBM?

Mỹ đã tiến hành thành công vụ thử tên lửa phòng thủ lần đầu tiên hồi tháng 5, với một cuộc diễn tập của một vụ tấn công giả định nhằm vào California bởi một tên lửa ICBM. Đây có thể coi là sự tái đảm bảo cho một nước Mỹ đang cảnh giác trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Chỉ trong vòng 3 tuần, Bình Nhưỡng đã thử 3 tên lửa đạn đạo, trong một động thái khẳng định quyết tâm củng cố kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đối phó với cái mà nước này gọi là mối đe dọa quân sự từ Mỹ.

: Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vụ phóng tên lửa trùng đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, và diễn ra chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), nơi các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến thảo luận về cách thức kìm chế Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng trước vụ phóng: “Có lẽ Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với Triều Tiên”. Điều này có nghĩa ông Trump kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tiên phong trong khu vực trong việc đối phó vấn đề Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt mới dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết trong hội nghị G20.

Trước đây, giới chức cấp cao Mỹ-Hàn từng cân nhắc ý tưởng tấn công phủ đầu lên Bình Nhưỡng nếu nước này thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) lần thứ 6. Sau sự kiện ngày 4/7, có thể họ sẽ tiến gần hơn tới lựa chọn này./.

Lan Hạ

(Theo Telegraph)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới