Quỳ Hợp: Ứng dụng công nghệ cao vào tưới nước cho mía

(Baonghean) - Để tăng năng suất mía, những năm trước đây, Công ty Mía đường Tate&Lyle đã ban hành chính sách đầu tư cho nông dân vay tiền không lãi suất (10 triệu đồng/máy) mua hệ thống máy bơm tưới mía. Tuy nhiên, hệ thống máy bơm chỉ phát huy hiệu quả ở giai đoạn trồng mới, các giai đoạn sau hiệu quả kém do chi phí tưới cao, tốn nhiều nước, khó thao tác vận hành, mía đổ gãy nên nhiều nông dân không mặn mà đầu tư.

Vụ ép 2012-2013, Công ty đã lập dự án tưới nhỏ giọt nổi, chủ động cho cây mía theo công nghệ "Tưới nước nhỏ giọt công nghệ cao Netafim-Isarel”. Công ty lựa chọn các hộ trồng mía có diện tích từ 2 ha trở lên, có nguồn nước tưới, đi tham quan học tập tại Thanh Hoá, là địa phương đã thành công về tưới nước cho mía. Công ty ký hợp đồng và mời chuyên gia Netafim trực tiếp khảo sát, thiết kế những diện tích mía có nhu cầu tưới công nghệ cao; những hộ nông dân tham gia dự án được nhà máy đầu tư cho vay 60 triệu đồng/ha không lãi suất và trừ dần khi bán mía trong 3 năm để mua các thiết bị tưới nước. Đến tháng 3, đã có 14 ha của 5 tổ chức, hộ gia đình được lắp đặt và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt nổi.

                    Hệ thống "Tưới nước nhỏ giọt công nghệ cao Netafim-Isarel”

Anh Tạ Đình Trợ, Giám đốc Khuyến nông - Chủ dự án ứng dụng công nghệ cao về tưới nước cho mía khẳng định: Tưới nhỏ giọt nổi sẽ đưa năng suất mía lên 120 tấn/ha, cao gấp đôi so với sản suất đại trà; độ đường cao hơn từ 1,5-2 CCS, mía lưu gốc tốt hơn, kiểm soát tốt bệnh chồi cỏ. Việc tưới nước thấm sâu, nuôi dưỡng cây mía ngay từ khi đặt hom, có thể đảm bảo 100% mía được lên mầm và vươn lóng trong điều kiện thời tiết hạn hán. Cùng với cung cấp nước cho cây mía, phân bón cũng theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp đến tận hệ thống rễ cây mía, độ đồng đều cao cho mía, giảm chi phí, giải phóng sức lao động cho người trồng mía. Tưới nhỏ giọt, nước cung cấp trực tiếp cho vùng rễ cây, nên hạn chế cỏ dại phát triển so với phương pháp tưới tràn. Phân bón và nước được cung cấp theo yêu của từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mía.

Anh Trần Bảng, ở Thị xã Thái Hoà, hiện đang trồng mía ở vùng Dốc Dài, tham gia dự án ứng dụng công nghệ cao về tưới nước cho mía cho biết thêm: "Cứ 50 cm trên dây dẫn nước có một van điều tiết nước nhỏ giọt, lượng nước được cố định qua đây là 1 lít/1 giờ, nên rất tiết kiệm về nước tưới và nhiên liệu, nước thấm sâu từ 35-40 cm, đảm bảo cho sự phát triển thuận lợi của mía trong những ngày nắng hạn. Diện tích mía của anh đã có 1,8 ha được áp dụng tưới theo công nghệ cao; thấy hiệu quả, hiện tôi đang xin nhà máy đầu tư thêm 2 ha nữa”.

Võ Văn Lương (Nghĩa Xuân - Quỳ Hợp)

Tin mới