Sản xuất vụ đông hàng hóa ở Thanh Chương

(Baonghean) - Vào thời điểm này, Thanh Chương có 4.700 ha ngô, lạc, rau màu vụ đông hàng hóa đang trong thời kỳ chăm sóc và thu hoạch. Nhìn chung năm nay vụ đông toàn huyện trồng đúng thời điểm và hứa hẹn năng suất cao.
Đối với bà con nông dân xã Thanh Lâm, làm vụ đông đã trở thành tập quán nhiều năm nay, do đó vào những tháng ngày này đồng ruộng của xã ít thấy những thửa ruộng bỏ hoang như những địa phương khác. Năm nay toàn xã canh tác 180 ha ngô và 60 ha rau màu, bầu, bí, đậu cô ve. Ở những trà rau sớm đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khá cao. Những năm gần đây, sản phẩm vụ đông là nguồn thức ăn chủ yếu để phát triển đàn trâu bò trên 3.500 con và đàn lợn gần 2.900 con của xã. Chính đàn gia súc đó lại tạo điều kiện cho khâu làm đất, đánh luống và cung cấp phân bón để giảm chi phí, hạ giá thành cho cây ngô. Trồng trọt và chăn nuôi hỗ trợ và tạo tiền đề cho nhau, nên bà con nông dân Thanh Lâm tích cực sản xuất vụ đông, tạo lãi nhiều hơn so với một số địa phương khác.
Rau màu vụ đông  ở  xóm 6,  xã Thanh Nho (Thanh Chương).
Rau màu vụ đông ở xóm 6, xã Thanh Nho (Thanh Chương).
Tại xã Thanh Hưng, nhờ thời tiết thuận lợi nên giống ngô lai PAC999 phát triển nhanh và xanh tốt. Anh Phan Đình Bảy (xóm Thanh Yên) phấn khởi chia sẻ: “Năm nay nhà tôi làm 4 sào ngô, nhiều hơn năm ngoái 1 sào. Người ta nói làm vụ đông không ăn thua do giá cả phân bón cao, nhưng tôi chủ yếu dùng phân chuồng và chịu khó chăm sóc cẩn thận để tăng năng suất bù lại chi phí. Trồng giống ngô này sau 125 ngày là đã thu hoạch, mỗi sào cầm chắc 5 tạ. Với giá ngô bán 5.300 đồng/kg, trừ mọi chi phí vẫn còn lãi trên 1 triệu đồng/sào, góp gió thành bão làm 4 sào đã có hơn 5 triệu đồng tiền lãi”. Được biết, vụ đông năm nay xã Thanh Hưng trích ngân sách hỗ trợ cho người trồng ngô 50% giá giống và giao cho đảng viên phải gương mẫu trồng ít nhất một sào. Do đó, ngoài đất thấp nuôi cá vụ 3, toàn xã trồng được gần 60 ha ngô khoai, rau màu các loại.
 Xã Thanh Văn là địa phương trồng rau vụ đông lớn nhất huyện Thanh Chương với 22 ha đậu cô ve, 35 ha ngô và 5 ha khoai lang, trồng nhiều nhất là ở các xóm 3, 6, 7 và 8; ước tính mỗi vụ đông bà con nông dân Thanh Văn cung ứng ra thị trường trong, ngoài huyện hơn 6 tấn rau, đậu, sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong xã cũng như các vùng lân cận như chợ Cồn, chợ Rạng, chợ Thị trấn Dùng và vận chuyển đa phần xuống Thành phố Vinh. Theo kinh nghiệm của người dân Thanh Hưng, canh tác 1 sào đậu nếu chịu khó mang sản phẩm ra thị trường tiêu thụ theo kiểu “thu tận gốc, bán tận ngọn” thì thu nhập không dưới 4 triệu đồng/sào lợi gấp 3 lần trồng ngô. Những nơi đất bãi nếu trồng hành, rau gia vị, cải bắp, súp lơ thì thu nhập còn cao hơn.
Bí xanh trên đồng đất Thanh Lĩnh (Thanh Chương). 	Ảnh: P.H
Bí xanh trên đồng đất Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: P.H
Đối với xã vùng núi Thanh Nho, diện tích đất bằng ít, nhưng bà con vẫn tận dụng đất hai lúa và đất đồi để làm vụ đông. Trong 65 ha vụ đông, ngô lai chiếm 60 ha, còn lại 5 ha làm rau màu, cà chua, dưa chuột, bắp cải. Ngoài ra còn tận dụng 6,5 ha mặt nước để thả cá. Sản phẩm vụ đông không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mà còn hướng mạnh mục tiêu tạo nguồn hàng hóa bán ra thị trường nên người dân nơi đây luôn chăm sóc tỉ mỉ để có năng suất cao và mẫu mã đẹp. Nhiều hộ đã thu hoạch trà sớm trên diện tích đậu cô ve, cải, ngọn bầu bí và bán được giá hơn vụ trước. 
Ông Lê Đình Thanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết thêm: “Nhận thức được tầm quan trọng của vụ 3 này, Thanh Chương đã canh tác 5.600 ha vụ đông và hàng hóa, kể cả cá vụ 3 và một số cây phụ khác. Trong đó có 3.200 ha ngô, 1.000 ha rau màu, 500 ha khoai lang hiện nay đều được đánh giá đạt năng suất và giá trị cao. Hiện nay các địa phương đang chăm sóc, bước đầu thu hoạch một số loại rau màu. Năm nay thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh ít, các loại cây trồng phát triển tốt, đồng thời giá cả thị trường cũng ổn định hơn vụ trước”.
Bài, ảnh: Thanh Quỳnh

Tin mới