HƯỚNG ĐẾN HỘI THI “HÁT DÂN CA TRONG TRƯỜNG HỌC”

Sức sống của Ví giặm trong đời sống xã hội đương đại

(Baonghean.vn) - Từ chỗ chỉ là câu hò, điệu ví bên cây đa, giếng nước hay những lời thề ước trong đêm trăng thanh gió mát, những lời ru ngọt ngào của mẹ bên nôi thì trải qua quá trình lịch sử của dân tộc, dân ca Ví, Giặm cũng dần có sự biến đổi không ngừng.

Thuở mới ra đời, môi trường diễn xướng của dân ca Ví, Giặm chủ yếu gắn với lao động sản xuất, với nông nghiệp, với các ngành nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm mộc… Từ chỗ chỉ là câu hò, điệu ví bên cây đa, giếng nước hay những lời thề ước trong đêm trăng thanh gió mát, những lời ru ngọt ngào của mẹ bên nôi thì trải qua quá trình lịch sử của dân tộc, dân ca Ví, Giặm cũng dần có sự biến đổi không ngừng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca Ví, Giặm bắt đầu có sự chuyển hóa từ diễn xướng dân gian sang trình diễn nghệ thuật dưới hình thức kể vè, đối ca, hoạt ca trong các phong trào văn nghệ quần chúng. Qua hồi ức của các nhạc sỹ và nhà nghiên cứu, chúng ta có thể biết tới một số hoạt cảnh dân ca và bài hò tiêu biểu như: Ngô khoai tranh đấu, Hỏi ai quan trọng, Trước lúc lên đường, Thần sấm ngã, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền…

bna-cac-em-thieu-nhi-tham-gia-chuong-trinh-trai-nghiem-dan-ca-vi-giam-tai-bao-tang-nghe-an-5755.jpg
Các em học sinh trải nghiệm dân ca ví giặm tại bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

Dân ca Ví, Giặm còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhạc sỹ để từ đó họ đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đương đại, cho các ca khúc, ca kịch biểu diễn trên sân khấu.Có rất nhiều tác phẩm âm nhạc dựa trên âm hưởng dân ca Ví, Giặm đã rất thành công, được công chúng yêu thích, trở thành những “bài ca đi cùng năm tháng” như: Xa khơi, giận mà thương, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Điệu ví giặm là em

Sự ra đời, hoạt động mạnh mẽ của gần 100 câu lạc bộ dân ca ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay, sự thành công của các Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ những năm gần đây là minh chứng sống động khẳng định giá trị trường tồn và sức thu hút, lan tỏa, thăng hoa của “đặc sản” văn hóa Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Cố PGS Ninh Viết Giao từng nhận xét về điệu Ví, Giặm: “…êm như nhiễu, nhẹ như tơ, trầm ấm man mác từ các thôn xóm vọng ra, lan tỏa khắp đồng nội cỏ cây”. Còn nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng viết: “ Ví, giặm vì thế mới là hồn cốt của người dân xứ Nghệ: Vất vả mà vẫn bay bổng, nghèo khó mà vẫn lãng mạn, gian nan mà vẫn kiêu hùng, thiếu thốn mà vẫn phóng đãng, lo toan mà vẫn thong dong… Âm thanh giai điệu ví, giặm xứ Nghệ như keo dính, như ma thuật, như giông bão, như mây nguồn sóng bể, dễ chôn, dễ vùi, dễ xoáy, gây nghiện, gây yêu, gây thương, gây mến, như “thuốc độc” tình…”

“Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ

Ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ

Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu

Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu”…

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội thảo khoa học quốc tế: “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, 2014.
  2. Ngữ Văn địa phương Thành phố Vinh , Tác giả Dương Xuân Hồng (biên soạn), NXB đại học Vinh.
  3. Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh , PGS Ninh Viết Giao, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982.
  4. Bài viết: “Giá trị sức sống của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” , Từ Thị Loan, tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 29/05/2015.

Tin mới