Sức vươn mới của Nam Giang

(Baonghean) - Những năm gần đây, xã Nam Giang tích cực đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cụm công nghiệp. Nhờ thế từ một xã thuần nông, Nam Giang đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Về Nam Giang hôm nay, ấn tượng đầu tiên là hoạt động nhộn nhịp của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn xã. Từ một vùng quê thuần nông, cách đây mấy năm còn vắng bóng dịch vụ, thì nay đã thực sự sôi động với đầy đủ các loại hình: dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng tạp hóa... Xã luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án như: giải phóng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo sự đồng thuận và khi dự án hoạt động thì phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, môi trường. Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Vạn thông tin: Nam Giang có tổng cộng 480 ha đất nông nghiệp nhưng đã có 120 ha, tương đương 1/4 đất phục vụ cho quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp. Trên địa bàn có 14 cơ quan, nhà máy đứng chân. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhiều, diện tích đất bị thu hồi lớn nhưng trong quá trình thực hiện dự án không để xẩy ra đơn thư, điểm nóng. 
Con em xã Nam Giang làm việc trong Công ty may Havina Kim Liên. Ảnh: S.M
Con em xã Nam Giang làm việc trong Công ty may Havina Kim Liên. Ảnh: S.M
Với sự nỗ lực tích cực của xã trong thu hút đầu tư, đến nay, cụm công nghiệp Nam Giang cơ bản đã lấp đầy với 3 dự án khá lớn, trong đó có 2 dự án đi vào hoạt động ổn định là Nhà máy may Havina Kim Liên và Hanosimex chi nhánh Nghệ An. Hai nhà máy này đã tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động. Cũng tại đây, một dự án khác đang triển khai trên diện tích 25 ha tại cụm nghiệp công nghệ cao Vùng Dưng, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng của Công ty VN Nam Đàn Vạn An trên lĩnh vực chế tác đá, kim loại quý. Hiện, doanh nghiệp đã đi vào sản xuất giai đoạn 1 và đang triển khai đồng bộ các hạng mục của dự án. Ông Kim Chul Ho - Giám đốc điều hành Nhà máy may Havina Kim Liên cho biết: “Mặc dù là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn xã Nam Giang nhưng chúng tôi cảm thấy rất gần gũi thân thiện với chính quyền địa phương. Chúng tôi thường xuyên có sự phối hợp để làm tốt công tác an ninh trật tự, quản lý lao động. Nhờ sự phối hợp tốt này mà hiện tại số lượng hơn 2.800 lao động ở nhà máy đã thực sự yên tâm thực hiện nghiêm túc quy trình của dây chuyền may công nghiệp…”.
Có thể nói, ít có xã nào có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương cấp xã như tại Nam Giang. Giữa xã và các công ty, đơn vị đều có bản cam kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Mỗi năm 2 lần xã và nhà đầu tư gặp mặt để cùng đánh giá, nhìn nhận lại quá trình phối hợp cần phải bổ cứu. Ông Trần Tiến Dũng, Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty CP dệt may Hà Nội cho biết: “Nhà máy phối hợp với xã rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng bảo vệ của nhà máy và an ninh xã thường xuyên nắm bắt tình hình để vừa có phương án phối, hợp bảo vệ tài sản, lao động. Chúng tôi thực sự yên tâm khi đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn”. Được biết hiện nay, chi nhánh hiện có 840 công nhân, lao động và con số này sẽ tăng lên trên 3.000 người khi tiếp tục đầu tư 2 dây chuyền kéo sợi, dệt. Từ kết quả thu hút đầu tư, Nam Giang đã tạo được bước chuyển khá rõ nét về cơ cấu lao động tại chỗ phù hợp, giải quyết tốt việc làm và thu nhập cho người dân sau chuyển đổi ruộng đất. Hiện tại, cụm công nghiệp Nam Giang có gần 5.000 lao động, trong đó, con em địa phương trên 900 người. 
Chuyển hướng trong sản xuất nông nghiệp
Được sự hướng dẫn của Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Vạn, chúng tôi tham quan những mô hình đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa sau chuyển đổi ruộng đất. Tại cánh đồng Chùa Chuyển, có mô hình bí xanh trồng trên đất 2 lúa cho hiệu quả cao của gia đình ông Phan Trọng Bá, xóm 2, trên diện tích gần 5 sào đất tập trung, ông Bá trồng 3 sào bí xanh, còn 2 sào trồng đậu cô ve, su hào, cải bắp, cà rốt... Trước đây, vùng đất này chỉ độc canh một năm 2 vụ lúa, vụ đông bỏ hoang thì nay bí xanh, đậu cô ve, bắp cải, su hào xanh mướt cả vùng... Ông Bá cho biết: Chỉ khoảng hơn 10 ngày nữa là có thể thu hái bí quả bói để bán cho công nhân. Với năng suất cao và giá bí như hiện nay thì hiệu quả trồng bí trên đất 2 lúa gấp 3 lần trồng lúa. Vụ sau gia đình sẽ triển khai trồng trên toàn bộ diện tích hiện có để tăng giá trị sau chuyển đổi ruộng đất và cây trồng.
Ngoài gia đình ông Bá còn có gia đình ông Nguyễn Đình Cường, Lê Quang Dũng cũng tham gia trồng rau, màu hàng hóa vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao. Tại vùng đồng Võ, 2 ha ngô nếp thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xóm 5 khẳng định hiệu quả ngô nếp vụ đông trên đất 2 lúa. Để khuyến khích mang tính chất “kích cầu” các hộ dân mạnh dạn trồng rau, màu hàng hóa vụ đông 2014, xã Nam Giang đã thực hiện cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch trên diện tích 6 ha. Nhờ sự hỗ trợ này mà gần 30 hộ dân vào cuộc tham gia, tạo khí thế sản xuất mới trên đồng ruộng. Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Vạn nêu ý tưởng: “Xã sẽ từng bước khuyến khích các hộ dân quen dần với sản xuất rau thực phẩm hàng hóa.
Trước mắt là bán cho lao động tại các nhà máy, về lâu dài sẽ xây dựng quy trình sản xuất rau thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp thực phẩm ổn định cho các nhà máy phục vụ ăn ca cho công nhân và có thể tìm kiếm thị trường để nhân rộng mô hình”. Để chuẩn bị cho những điều kiện bước vào nền sản xuất hàng hóa, xã chỉ đạo HTX nông nghiệp làm tốt dịch vụ “2 đầu” (đầu ra và đầu vào) cho bà con yên tâm sản xuất. Xã cũng hình thành được 40 ha vùng chuyên canh cánh đồng mẫu lớn trồng lúa giống chất lượng cao như vùng Cửa Ngăn xóm 11, vùng làng Rú, đập Nên, Cửa Khe - xóm 10. Các vùng có điều kiện chuyên canh màu như vùng Chùa Chuyển, Nhà Rảy, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản... Trên địa bàn đã có được 29 trang trại hiệu quả. Cùng đó, việc ứng dụng kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thay thế sức người, tăng hiệu quả sử dụng đất được người dân chú trọng. Toàn xã hiện có 26 máy cày làm đất, 16 máy tuốt lúa, 5 máy gặt cầm tay... giải phóng sức lao động, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp. 
Những bài học về thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu trong lao động nông nghiệp đang tạo cho Nam Giang một khí thế mới, nhất là sau khi đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Thành công của công cuộc chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp, kết hợp cụm công nghiệp trên địa bàn tạo cơ sở vững chắc để Nam Giang tiếp tục thực hiện thành công đề án xây dựng xã kiểu mẫu.
Hữu Nghĩa

Tin mới