Tâm lũ Quỳ Châu - gian nan khôi phục sản xuất, sinh kế dài lâu

Tâm lũ Quỳ Châu - gian nan khôi phục sản xuất, sinh kế dài lâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Gần 1 tháng sau trận lũ lịch sử, mảnh đất Quỳ Châu còn nỗi lo trăm bề. Việc khắc phục thiệt hại hiện chỉ mới dừng ở mức đảm bảo sinh hoạt, đời sống dân sinh của người dân sau lũ, đối với việc sản xuất, sinh kế của người dân về lâu dài vẫn còn gian nan.

MẤT ĐẤT SẢN XUẤT, CÔNG TRÌNH NGỔN NGANG

Trở lại huyện Quỳ Châu sau gần 1 tháng xảy ra trận lũ lịch sử, những con đường, nhà ở của người dân đã mờ đi vết bùn đất. Tranh thủ những ngày nắng lên, bà con mang quần áo, sách vở, đồ gia dụng… phơi kín sân, lòng đường, với hy vọng có thể tiếp tục sử dụng. Các tiệm sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh, sửa xe máy… không lúc nào ngớt khách.

bna_11.jpg
Các công trình thủy lợi, kè sông, suối bị tàn phá, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Ảnh: Xuân Hoàng

Mặc dù vậy, việc khắc phục thiệt hại hiện mới chỉ ở mức ổn định cuộc sống, sinh hoạt, hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân sau lũ. Nỗi lo hiện nay là tình trạng mất đất sản xuất, các công trình thủy lợi, giao thông vẫn còn ngổn ngang, việc canh tác của bà con nhân dân chưa thể triển khai được, nguy cơ bỏ hoang mùa vụ hiện hữu.

Có mặt tại xã Châu Hạnh - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu, nhiều công trình thủy lợi, đường sá của địa phương vẫn còn nằm dưới lớp đất, đá.

bna_quy chau 2.jpg
Đập tràn khe Tụt ở xã Châu Hạnh hư hỏng nặng nề sau lũ. Ảnh: Quang An

Đơn cử như đập tràn khe Tụt ở bản Minh Châu, xã Châu Hạnh được xây dựng từ năm 2008, phục vụ nguồn nước tưới cho diện tích lúa của bản Minh Châu. Trong trận lũ vừa qua, đập tràn khe Tụt bị hư hỏng hoàn toàn, toàn bộ mương máng, tràn ngăn nước của công trình bị vỡ, nhiều đoạn mương dẫn nước bị gãy trôi dạt theo khe, suối. Hiện nay, đập tràn khe Tụt không còn khả năng tích nước để phục vụ sản xuất, do đó, hàng chục héc-ta đất của bà con khả năng sẽ phải bỏ hoang vụ tới.

Cách đó không xa, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn xã Châu Hạnh như đập Khe Xén, Khe Tụ, kênh mương bản Minh Tiến, Thuận Lập cũng bị lũ tàn phá, cuốn trôi… ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.

bna_a.jpg
Cánh đồng tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu đã hoàn toàn bị san phẳng. Ảnh: Xuân Hoàng

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu là tình trạng các cánh đồng đã bị vùi lấp với độ dày từ 0,5 đến 1 mét, phía trên bao phủ lớp cát, đá, do đó, không thể canh tác được nếu như không có biện pháp khai hoang kịp thời.

Ông Vi Văn Diên - người dân xã Châu Thắng buồn bã cho biết: Gia đình có 4.000 m2 ruộng nước, lũ lụt đã khiến 3.000 m2 bị đất, đá vùi lấp sâu gần 1 mét. "Nay muốn cải tạo thành ruộng thì phải thuê máy múc làm nhiều ngày mới xong. Tiền trả máy múc 600.000 đồng/giờ thì mất hàng chục triệu đồng, gia đình lấy đâu ra tiền. Nhưng nếu không cải tạo ruộng thì gia đình không có ruộng để sản xuất, lấy lúa gạo để ăn... do vậy, gia đình chưa thể nghĩ ra được hướng nào…”.

bna_4.jpg
Lúa, hoa màu đã bị vùi lấp, không thể cứu được. Ảnh: Quang An

Một trong những khó khăn hiện nay là khối lượng đất sản xuất bị vùi lấp quá lớn, trong khi sức người không xuể, việc thuê máy móc thời điểm này lại rất khó, vì các phương tiện hiện cũng đang được huy động tổng lực để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, kinh phí để thuê máy móc cũng không hề rẻ cũng là trở ngại cho địa phương và nhân dân trong việc khắc phục.

Theo thống kê của huyện Quỳ Châu, trận mưa lũ lịch sử đã gây hậu quả lớn trên địa bàn, với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt như: Quốc lộ 48A, Tỉnh lộ 544, Quốc lộ 48D. Mưa lũ cũng đã làm 776 con gia súc, 23.032 con gia cầm bị chết; diện tích lúa hè thu -mùa bị thiệt hại: 850,48 ha; diện tích cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ: 234,45 ha… Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng, con số này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022 (năm 2022 huyện Quỳ Châu thu ngân sách 27 tỷ đồng).

bna_Nhiều căn nhà của người dân huyện Quỳ Châu ngập trong biển nước ảnh Quang An.JPG
Mưa lũ đã khiến huyện Quỳ Châu bị thiệt hại hơn 177 tỷ đồng. Ảnh: Quang An

Huyện Quỳ Châu là địa bàn khó khăn, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong trận mưa lũ vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp lại thiệt hại nặng nề nhất. Trong khi đó, chi phí để khắc phục rất lớn, do đó, trước mắt địa phương mới tập trung khôi phục tạm thời và hỗ trợ phần nào những điểm ách yếu, rất khó để thực hiện đồng loạt.

CHUNG TAY KHẮC PHỤC THIỆT HẠI

Sau trận lũ xảy ra, các ban, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm… đã chung tay đồng hành, hỗ trợ người dân huyện Quỳ Châu khắc phục thiệt hại. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Châu, số tiền quyên góp, ủng hộ địa phương sau trận lũ vừa qua hiện đã hơn 5 tỷ đồng, ngoài ra, còn có nhiều hiện vật như gạo, thuốc men, quần áo, sách vở… Đây là nguồn động viên quý giá để bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

bna_Nước đục phải dùng các loại hoá chất để khử khuẩn, làm bùn lắng xuống mới sử dụng được. Ảnh Q.An.jpg
Tập trung làm sạch nước sinh hoạt cho người dân huyện Quỳ Châu sau lũ. Ảnh: Q.A

Ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc cho biết: Sau khi lũ rút, địa phương đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khó khăn như tình trạng rác thải phát sinh nhiều, nguồn nước sạch bị ô nhiễm, nguyên liệu tại các làng nghề bị hư hỏng… Do đó, địa phương đã tập trung xử lý môi trường nước, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt phục vụ bà con cũng như phòng dịch bệnh. Đồng thời, liên hệ các công ty môi trường hỗ trợ xe thu gom, vận chuyển rác sau khi các hộ gia đình tập kết rác đến nơi quy định, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ. Địa phương cũng hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, động viên bà con sớm ổn định cuộc sống, hỗ trợ các em học sinh sách vở, quần áo… để các em đến trường trở lại.

bna_3.jpg
Nhiều diện tích đất sản xuất bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước. Ảnh: Q.A

Đối với sản xuất nông nghiệp, công tác khắc phục được huyện Quỳ Châu đánh giá là rất nan giải do kinh phí lớn. Không chỉ mất đất sản xuất do bị vùi lấp, mà hiện nay, diện tích đất dọc các bờ sông, khe, suối cũng đang bị sạt lở mạnh, từng mảng trôi theo dòng nước.

bna_quy chau 1.jpg
Người dân bản Minh Châu, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu bất lực vì ruộng bị đất cát vùi lấp quá dày. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước mắt, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các địa phương phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi trong ngày 16/10, tập trung tu sửa các kênh mương, công trình bị hư hỏng có thể xử lý tạm được, huy động sức dân nạo vét, tu sửa tạm các hệ thống mương dẫn nước để có nước sản xuất. Đối với diện tích lúa chưa đến thời điểm thu hoạch bị đổ ngã nhưng vẫn có thể sinh trưởng được bà con đã tập trung dựng lúa, cột thành bó để tránh hạt lúa bị ngâm nước, tiêu thoát nước tránh ngập úng. Mặc dù vậy, khả năng thiếu lương thực trong thời gian tới đối với bà con huyện Quỳ Châu hoàn toàn có thể xảy ra khi lúa vụ này đã bị vùi lấp, trong khi gieo cấy vụ tới chưa biết khi nào mới thực hiện được.

Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ cho bà con nhân dân về cây, con giống để tái sản xuất, tái đàn. Đối với việc khắc phục các công trình thủy lợi và cải tạo đất sản xuất do khối lượng công việc lớn, kinh phí cao, vượt quá khả năng của huyện nên sẽ đề xuất với cấp trên để có thể hỗ trợ địa phương. Nếu không sớm có phương án xây dựng lại các công trình thủy lợi bị hư hỏng và ruộng đồng bị vùi lấp do lũ lụt gây ra vừa qua, thì vụ đông và vụ xuân sắp tới nhiều cánh đồng sẽ phải bỏ hoang, không thể sản xuất...

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu.

Tin mới