Tận dụng cơ hội trong hội nhập

(Baonghean) - Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập cộng đồng chung ASEAN... là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Nghệ An hội nhập sâu rộng, mở rộng thị trường đến Mỹ, Nhật, Canada, các nước ASEAN... Xu thế đó đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm, nắm bắt thông tin để có nhiều cơ hội kinh doanh. 

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng không nhiều, tính cạnh tranh chưa cao. Do vậy, khi mở rộng thông thương với các nước trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó trụ vững.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty Thái Đại Phong cho rằng khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Nghệ An là rất yếu, đáng lo ngại. Bởi lẽ, các công ty có quy mô nhỏ, nguồn tài chính không tốt, thị trường hẹp nên khi thông thương là một thử thách lớn cho doanh nghiệp...”. 
Sản xuất chụp đèn lồng tại Công ty TNHH Đức Phong.
Sản xuất chụp đèn lồng tại Công ty TNHH Đức Phong.
Nghệ An hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, có 18 chi hội với trên 1.000 hội viên. Tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã có đóng góp khá lớn, tạo thành mạng lưới kinh doanh rộng khắp, từ các trung tâm kinh tế đến các địa bàn nông thôn, vừa sản xuất, vừa là kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho xã hội.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận thức về hội nhập còn mơ hồ. Mới đây, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa lên kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến hội nhập cho các doanh nghiệp ở Thành phố Vinh, cụm Quỳnh Lưu, cụm Thái Hòa và cụm Đô Lương. Riêng đối tượng là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sẽ tổ chức phổ biến kiến thức thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ. Hội cũng đang tiến hành điều tra nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp để từ đó phân nhóm nhu cầu, thiết kế lớp, mời giảng viên...
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn, Cố vấn cao cấp VCCI tại Nghệ An thì vấn đề hội nhập lâu nay không được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. “Ở tầm vĩ mô, Việt Nam phải tự điều chỉnh, thay đổi cách thức quản lý, pháp lý để thích ứng với các điều kiện đặt ra, hay nói cách khác, là cải cách trong nước về mua sắm công, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh. Về phía doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt hành trang, chính là năng lực cạnh tranh. Làm kinh doanh phải có tính chuyên nghiệp, thể hiện trong quản trị doanh nghiệp, quản lý năng suất lao động...” - ông Tuấn nói.
Sản phẩm nông sản bán ở Siêu thị Metro (TP. Vinh).
Sản phẩm nông sản bán ở Siêu thị Metro (TP. Vinh).
Ông Trần Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP nông sản XNK Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu cho biết: Theo dự kiến, Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015 mà trước mắt là hình thành kinh tế ASEAN, điều này sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cơ hội để phát triển. Thế nhưng, hiện tại các doanh nghiệp chưa thấy sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan về vấn đề này. Đề nghị UBND tỉnh tổ chức hội nghị để phổ biến những nội dung cần thiết về hội nhập cộng đồng ASEAN, TPP, để các doanh nghiệp Nghệ An được biết nhằm tận dụng được những cơ hội và ứng phó với những thách thức đặt ra.
Mở cửa hội nhập, ô tô là ngành chịu nhiều sức ép cả từ phía sản xuất và dịch vụ (trong ảnh - dịch vụ sửa chữa ô tô tại Công ty CP Toyota Vinh).
Mở cửa hội nhập, ô tô là ngành chịu nhiều sức ép cả từ phía sản xuất và dịch vụ.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương, một trong những thế mạnh của Nghệ An nhưng cũng là lĩnh vực dễ bị “tổn thương” khi hội nhập quốc tế là xuất khẩu nông sản. Lĩnh vực này gắn với thu nhập của một bộ phận lớn dân số ở nông thôn Nghệ An. Mà trực tiếp là với các ngành sản xuất mía đường, chăn nuôi, trồng trọt... Những hạn chế vì sản xuất manh mún, năng suất, hiệu quả chưa cao của nông nghiệp tỉnh nhà cần phải nhanh chóng được khắc phục. Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Anh Sơn cho rằng: Trong khi các nước trong khu vực đã có bước tiến khá dài về năng suất, sản lượng, thì nông nghiệp chúng ta vẫn đang ì ạch với đổi mới.
Lĩnh vực mía đường là một ví dụ. Hiện giá mía nguyên liệu tại Thái Lan ở mức 30 - 35 USD/tấn (khoảng 600 - 700 đồng/kg), trong khi đó, giá mía nguyên liệu ở Việt Nam từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tấn (800 - 1.000 đồng/kg).  Chính vì thế, các doanh nghiệp ngành mía đường của Nghệ An đang gặp thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập.
Gia nhập TPP và AEC, những mặt hàng được dự báo có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Việt Nam tham gia TPP đó là dệt may, giày dép, hàng điện tử. Về nhập khẩu, cơ cấu nhập khẩu cũng tập trung vào những mặt hàng lớn nhất, gồm có dệt may, quần áo, giày dép và nhập khẩu về dịch vụ.
Tham gia TPP là một dấu mốc rất quan trọng vì TPP là khu vực chiếm đến 40% GDP, 30% kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn cầu, một số yêu cầu trong đàm phán TPP còn cao hơn đàm phán WTO. Yêu cầu cao có thể gây khó khăn cho Việt Nam, đặc biệt là chi phí tổ chức thực hiện của Nhà nước và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong đó. 
Bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nếu biết tận dụng các cơ hội từ hội nhập, doanh nghiệp Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ tiếp cận được các thị trường rộng lớn với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ làn sóng đầu tư mới sẽ tạo ra nhiều việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do hội nhập mang lại.
Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Đến nay, đã có 12 nước tham gia đàm phán, gồm 4 thành viên sáng lập, thêm Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico, Nhật Bản. 
 Tối 5/10 (giờ VN), Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Mỹ) đã đạt được thỏa thuận. Có mặt tại cuộc họp báo ở Atlanta, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định dù Việt Nam là nền kinh tế vào loại kém phát triển nhất TPP, nhưng vẫn cam kết sẽ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia mình trong TPP.

Thu Huyền

Tin mới