Tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ bền vững

(Baonghean) Trong 5 năm  qua (2007 – 2012), Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ đã thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng tổ chức hội cơ sở. Nhờ chăm lo phát triển kinh tế VAC, đời sống hội viên ngày càng được nâng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Kỳ khóa XIX (2010 – 2015) đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh, đã tạo điều kiện để cán bộ, hội viên Hội Làm vườn nỗ lực phấn đấu vươn lên làm tròn vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC vốn là lợi thế của một huyện miền núi thấp, tiềm năng đất đai rộng, lực lượng lao động dồi dào.

Tuy nhiên, những năm qua, giá cả hàng hóa không ổn định, ảnh hưởng đến đầu tư, giá trị sản xuất. Hơn nữa, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu bệnh hại cây trồng hàng năm xảy ra liên tục đã ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả kinh tế VAC. Mặc dù vậy, 5 năm qua, nhờ sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, hoạt động của Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Giống mít Thái Lan được Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ đưa về cho hội viên trồng đầu năm 2011.

Đầu năm 2007, toàn huyện mới có 23 đơn vị trực thuộc huyện hội, gồm 23 xã, thị trấn, với 197/266 xóm, bản có chi hội, với 2.359 hội viên, đến nay, toàn huyện đã có 242/266 xóm, bản có chi hội, số hội viên được nâng lên 3.365. Thông qua các hoạt động nghề nghiệp, đại bộ phận hội viên đều có nhận thức đúng về vai trò, vị trí của kinh tế VAC trong việc phát triển nhanh và bền vững kinh tế hộ.

Các hoạt động chính như tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế VAC; tập huấn, hội thảo chuyển giao các tiến bộ KHKT và công nghệ làm VAC tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn… được Hội thực hiện có hiệu quả. Các cấp hội đã hình thành các tổ chức dịch vụ cung ứng các loại vật tư như phân bón, các loại chế phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và các loại cây, con giống đáp ứng yêu cầu của hội viên. 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp để cung ứng gần 800 tấn phân bón các loại. Điển hình là các địa phương: Hương Sơn, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thái cung ứng chế phẩm để xây dựng vườn sinh thái. Huyện hội đã cung ứng 1.560 kg chế phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở 21 đơn vị xã. Một số đơn vị, như: Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp, Tân Hương đã cung ứng chế phẩm Prôplan của Công ty Thái – Việt – Mỹ để ủ giống, sản xuất phân bón và bón qua lá cho một số loại cây trồng.

Các cấp hội cũng đã cung ứng 800.000 cây mây giống K83, 25.000 cây xà cừ, 30 nghìn cây gấc, 5.000 cây sưa đỏ, 5.000 cây mít Thái changai, 500 cây tràm ghép, hơn 1.000 chồi thanh long ruột đỏ… cho hội viên. Về con giống, Hội đã cung ứng 2.000 con gà Ai Cập, 3.500 gà Mông, 1.500 ngan Pháp, 100 con vịt siêu trứng, 1.500 con thỏ ngoại, 150 con nhím, gần 200 con lợn rừng lai và một số giống trâu, bò, lợn Móng Cái thuộc Chương trình 135/CP và 30a.

Thông qua chuyển giao các tiến bộ KHKT, cung ứng vật tư, cây, con giống… đã tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế hộ bền vững. 5 năm qua, năng suất VAC của Tân Kỳ tăng bình quân 15%/năm, vượt 5% so với kế hoạch. Tỷ trọng kinh tế VAC trong kinh tế hộ chiếm 85%, tăng 14% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra. Giá trị sản xuất VAC bình quân 55 triệu đồng/hộ/năm, tăng 15 triệu đồng/hộ/năm chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Giá trị thu nhập VAC bình quân 35 triệu đồng/hộ/năm, tăng 17 triệu đồng/hộ/năm chỉ tiêu đại hội nhiệm kỳ đề ra.

Số gia đình hội viên có giá trị sản xuất hàng năm 200 triệu đồng đạt 6%, từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm 28%, từ 100 đến 150 triệu đồng/năm 36%, từ 50 đến 100 triệu đồng/năm là 20%, vượt xa so với chỉ tiêu đại hội nhiệm kỳ IV đề ra. Đến nay, 100% hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương. Không những thế, hàng trăm hội viên đã tự nguyện giúp đỡ các hộ khác về giống, vốn, kỹ thuật giúp họ thoát nghèo, vươn lên khá như ở xã Giai Xuân có anh Hải cho 3 hộ vay 25 triệu đồng không tính lãi; anh Mão cho 4 hộ vay 50 triệu đồng mua bò nuôi để thoát nghèo… Có 86% hội viên đạt gia đình văn hóa các cấp, 20% đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Ông Trần Tử Bá – Hội phó Hội Làm vườn huyện cho biết: Kinh nghiệm trong hoạt động Hội Làm vườn là cần thực hiện đầy đủ phương châm: “Lấy VAC gia đình làm nơi hoạt động cơ bản, lấy chi hội làm đơn vị liên kết, lấy hội làm vườn xã, huyện làm nơi tạo thành sức mạnh tổng hợp, lấy chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước làm điểm tựa, lấy khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến làm vũ khí trí tuệ, lấy mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương làm mục tiêu của hội, thì mới đủ sức làm cho Hội ngày càng vững mạnh”. Mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tới của Hội Làm vườn huyện là xây dựng, củng cố tổ chức chi hội thực sự vững mạnh. Tuyển chọn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội viên từ huyện đến chi bộ hội ổn định, có năng lực thực sự để vận động, quản lý các hoạt động của hội.

Xuân Hoàng

Tin mới