Thành 'nông dân xuất sắc Việt Nam' nhờ nghĩ mới, làm khác trên đất khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Bao lần ngược về Thanh Hương (Thanh Chương) - vùng đất với cái tên “cúng cơm” (Eo Tréo) nghe thôi đã thấy khó khăn, nhọc nhằn. Ấy nhưng, nhờ “nghĩ mới”, “làm khác” mà Phạm Viết Đức có thu nhập tiền tỷ/năm từ chăn nuôi lợn, trở thành gương Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

bna-e-thong-chuong-trai-duoc-khep-kin-4751.jpg
Trang trại lợn khép kín của anh Phạm Viết Đức. Ảnh: T.P

Con nhà nông dân, ngấm cảnh khổ “chân lấm tay bùn”, nên Phạm Viết Đức (sinh năm 1983 ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) cố học hành. Tốt nghiệp đại học, Đức vào Đồng Nai khởi nghiệp với nghề kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y.

Đồng Nai - nơi được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước đã giúp Đức làm ăn “thuận buồm xuôi gió” với mức thu nhập tốt; đồng thời, cho Đức được mở mang tầm nhìn, tư duy về chăn nuôi hiện đại, khép kín, an toàn sinh học. Làm việc ở đó cũng giúp Đức được tiếp xúc với những tỷ phú chăn nuôi, những nông dân với những trang trại bạc tỷ, là nông dân nhưng com-lê, giày da bóng lộn, xe hơi đắt tiền nhờ chăn nuôi bằng công nghệ hiện đại, tự động… Điều này, nhen nhóm trong Đức ý tưởng làm giàu từ chăn nuôi.

bna-anh-duc-chu-dong-ve-con-giong-vpsi-500-nai-3343.jpg
Chủ động về con giống, thức ăn và tuần hoàn trong chăn nuôi, cách ly an toàn dịch bệnh là bí quyết để anh Đức thành công. Ảnh: T.P

Đức kể: “Đồng Nai đất chật người đông, để làm trang trại chăn nuôi quy mô không dễ. Vốn đầu tư ban đầu lại khá cao. Trong lúc ở quê nhà Thanh Chương đất đai rộng lớn, nhiều vùng tách biệt với khu dân cư nên việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường chăn nuôi rất thuận lợi. Tôi quyết về quê để mơ làm giàu từ nuôi lợn!…”.

Đức lặn lội lên vùng Thanh Hương - cách xã Đồng Văn quê anh và cách trung tâm huyện hàng chục cây số - để thuê đất làm trang trại. Có chút vốn trong tay, Đức vay mượn thêm 7 tỷ đồng, dốc toàn bộ vào xây dựng chuồng trại, kéo điện, nước phục vụ chăn nuôi. “Lúc đó, ai nói ra nói vào gì mặc kệ, tôi tin vào bản thân mình, với quyết tâm của mình…”, Đức nói.

bna-trang-trai-cua-anh-tao-viec-lam-cho-12-lao-dong-thuong-xuyen-7404.jpg
Trang trại của anh tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Trong đó có nhiều kỹ sư chăn nuôi với mức lương 15-20 triệu đồng/tháng. Ảnh: T.P

Với những kiến thức, kinh nghiệm có được, Đức đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống bóng sưởi vào mùa đông, lắp đặt quạt thông gió, dàn tản nhiệt hoạt động vào mùa hè đảm bảo nhiệt độ thích hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của địa phương.

Để tiết kiệm nhân công, anh đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống tự động; lắp đặt camera để tiện theo dõi sức khoẻ đàn lợn… Đồng thời, phân hệ thống chuồng thành các phân khu khác nhau: khu nuôi lợn nái, khu nuôi lợn hậu bị và khu nuôi lợn thịt. Với 500 con lợn nái, mỗi năm cung ứng cho trại lợn của anh khoảng 5.000 con giống.

“Đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng mình chủ động được nhiều trong quá trình chăn nuôi. Như nhờ chủ động về con giống nên tiết kiệm được chi phí ban đầu, đặc biệt là sức khoẻ đàn lợn luôn được đảm bảo, lợn sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh”, Đức cho biết.

bna-anh-pham-viet-duc-thu-4-tu-trai-qua-tai-le-ton-vinh-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-6492.jpg
Anh Phạm Viết Đức tại Lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ảnh: NVCC

Chăn nuôi với quy mô lớn, nên ngoài việc liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi để lấy thức ăn theo giá sỉ, Đức còn kết nối, tìm kiếm đầu ra cho 750 tấn lợn thịt xuất chuồng. Đồng thời, tăng cường chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như: ruốc bông, giò chả… cung ứng ra thị trường với sản lượng mỗi năm khoảng 50 tấn. Thế nên, dù giá lợn có lúc lên, lúc xuống theo biến động của thị trường và có những thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng đầu ra cho lợn thịt của trang trại vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, tiêu thụ ổn định.

Trang trại của Phạm Viết Đức cũng là mô hình tiên phong ở huyện Thanh Chương về kinh tế tuần hoàn - đầu ra của quy trình này là đầu vào của quy trình khác. Cụ thể, để tận dụng phụ phẩm trong chăn nuôi, anh cơ cấu nuôi 3.000 con gà, 1,5ha ao cá và 50ha keo nguyên liệu.

Anh cho biết: “Hiện tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi bằng hệ thống sinh học đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Chăn nuôi khép kín nên không xảy ra dịch bệnh và đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh môi trường, tiết giảm chi phí trong chăn nuôi và tăng lợi nhuận. Mặt khác, tôi thuê hẳn một kỹ sư chuyên về chăn nuôi làm việc cho trang trại với mức lương 22 triệu đồng/tháng.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, yếu tố quyết định thành bại trong chăn nuôi là an toàn dịch bệnh. Công tác phòng dịch tốt, từ con giống sạch bệnh, chăn nuôi sạch đến phòng bệnh từ xa cần được chú trọng. Tiếp đến là việc chủ động đầu ra; thứ nữa là tận dụng được các phụ phẩm trong chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, tạo sự xoay vòng bền vững”.

bna-pham-viet-duc-7779.jpg
Nhờ "nghĩ mới và làm khác" đã giúp nông dân Phạm Viết Đức trở thành tỷ phú nông dân. Ảnh: NVCC

Sau nhiều năm gây dựng, đến nay, trang trại của Phạm Viết Đức cho lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 3-5 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài phát triển kinh tế, bản thân Đức và gia đình luôn tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Anh từng được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen Nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020; là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.

Tin mới