Thành viên mới nhất của NATO tính đến khả năng xung đột 'kéo dài' với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thụy Điển quyết tâm đối đầu với Nga như một phần của NATO - thành viên mới nhất của khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã cam kết. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố trang bị vũ khí cho Ukraine là một cách để giải quyết “sự thèm muốn” của Moskva.

anh 1.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom trước thềm một sự kiện của NATO ở Brussel. Ảnh: AFP

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức Deutsche Welle, nhà ngoại giao hàng đầu Thụy Điển ca ngợi sự đóng góp trong tương lai của đất nước ông cho chiến lược của NATO đối với khu vực Baltic. Thụy Điển chính thức gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu vào đầu tháng này. Ông nói với đài truyền hình: “Không phải Thụy Điển và NATO gây ra vấn đề. Chính Nga đang hành xử vô trách nhiệm và liều lĩnh”. Ngoại trưởng Billstrom trích dẫn những ví dụ về hành vi của Nga mà ông cho là “không thể chấp nhận được”, trong đó nổi bật nhất là chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Moskva coi cuộc xung đột là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống lại Nga. Nga dẫn ra chính sách mở rộng của NATO ở châu Âu, được thực hiện trái với lời hứa của phương Tây với Moskva, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thù địch. Quan chức Thụy Điển dự đoán căng thẳng sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. "Chúng ta đang ở trong một thời kỳ xung đột kéo dài với Nga. Và chúng ta phải tự điều chỉnh cho phù hợp" - nhà ngoại giao hàng đầu Thụy Điển nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Billstrom tuyên bố rằng Nga đang "trên con đường lấy lại tài sản đế quốc trước đây" khi ông biện minh cho việc tăng cường quân sự của NATO ở vùng Baltic. Phần lớn khu vực này là một phần của đế quốc Nga và sau đó là Liên Xô. Chính phủ Nga không có yêu sách lãnh thổ đối với các quốc gia ở vùng Baltic và phủ nhận mọi ý định khơi mào cuộc chiến với NATO. Các quan chức ở Moscow lập luận rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ có sức tàn phá đối với tất cả các bên liên quan, nhưng chính phương Tây mới là bên mạo hiểm khi châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông Billstrom, người có chuyến thăm Berlin, đã thể hiện tình đoàn kết với Kiev bằng cách đeo một chiếc ghim cài áo có hình quốc kỳ của Thụy Điển và Ukraine. Khi được hỏi về viện trợ trong tương lai, ông từ chối đưa ra bất kỳ cam kết nào về máy bay chiến đấu Saab JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất hoặc cử quân đội Thụy Điển đến thực địa. Ông giải thích: “Tất nhiên, chúng tôi nên làm nhiều hơn nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi nhất thiết phải làm điều đó trên đất Ukraine”.
Ukraine hiện nay có thể bị đẩy lùi trên chiến trường nhưng với sự giúp đỡ của phương Tây, nước này có thể giành chiến thắng, ông Billstrom khẳng định. Ông nói rằng điều đó sẽ “chặn đứng Nga một lần và mãi mãi”.

Tin mới