Thảo luận quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII

(Baonghean.vn) - Quy chế hoạt động là nội dung chính được Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII thảo luận trong phiên họp sáng 14/7.

Sáng 14/7, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tổ chức phiên họp để nghe và cho ý kiến về một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy

ĐẢM BẢO ĐIỀU HÀNH CỦA THƯỜNG TRỰC  HĐND TỈNH LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh nghe và cho ý kiến dự thảo Thông báo phân công nhiệm vụ và Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết: Trước đây, việc phân công nhiệm vụ của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được đưa vào quy chế hoạt động của Thường trực HĐND.

Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy, việc ban hành Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND phải chờ ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh. Trong khi Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh sẽ trình kỳ họp HĐND tỉnh, do đó Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh sẽ chậm.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Duy

Do đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu theo hướng ban hành văn bản riêng phân công nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên HĐND tỉnh khóa XVIII. Còn Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ đề cập chủ yếu đến nguyên tắc làm việc, quy trình vận hành công việc cụ thể. 

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng cho biết thêm: Khác với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đều là Trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách nên Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh được tham mưu theo hướng phân công nhiệm vụ rõ hơn cho các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. 

Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá đây là những nội dung rất quan trọng vì chi phối hoạt động thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu quan điểm: Thông báo phân công nhiệm vụ và Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh phải là văn bản phải đảm bảo được sự thống nhất, có nội hàm thuộc phạm vi hoạt động của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, những nội dung của Thông báo và Quy chế đã được luật và các quy định khác của Trung ương liên quan quy định rõ ràng thì không nhất thiết diễn đạt lại; đồng thời nội dung phải giúp cho công tác điều hành của Thường trực HĐND tỉnh linh hoạt, hiệu quả, gắn trách nhiệm của từng người. 

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu dự họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao đổi một số ý kiến để nội dung Thông báo và Quy chế đảm bảo chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. 

THÀNH LẬP 21 TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH

Tại cuộc họp, Thường trực HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về vệc thành lập các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Theo đó, Thường trực HĐND quyết nghị thành lập 21 tổ đại biểu và chỉ định tổ trưởng, tổ phó các tổ đại biểu HĐND tỉnh tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Thường trực HĐND tỉnh cũng đã thảo luận danh sách Ủy viên các Ban HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định ủy viên các Ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội và Dân tộc, của HĐND tỉnh khóa XVIII số lượng mỗi ban có 7 ủy viên.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nêu quan điểm, các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng của đại biểu dân cử như thẩm tra, giám sát, do đó các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh công tác trong các cơ quan hành pháp của tỉnh không nên tham gia làm ủy viên các Ban HĐND tỉnh; nhằm tránh để xảy ra tình trạng, đại biểu thực hiện “hai vai”: vừa là người thực thi, vừa là người giám sát. 

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị, với việc bố trí lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách nên trưởng các Ban HĐND tỉnh cần phát huy trách nhiệm nên hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý thống nhất quan điểm ủy viên các Ban HĐND tỉnh không là đại biểu HĐND tỉnh từ các cơ quan hành pháp của tỉnh. Do đó, quá trình lựa chọn, tham mưu ủy viên của các Ban HĐND tỉnh để trình Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban cần cân nhắc lựa chọn từ các cơ quan, địa phương, gắn với chuyên môn đào tạo, lĩnh vực, sở trường công tác, thực tiễn hoạt động. Quan điểm là không phiến diện, một chiều, mà cần nhìn rộng ra để lựa chọn các ủy viên phù hợp với tính chất, yêu cầu công tác của các Ban; tôn trọng đăng ký của đại biểu.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Trong các khóa trước, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh cơ bản do lãnh đạo một số Ban Đảng Tỉnh ủy kiêm nhiệm; tuy nhiên nhiệm kỳ 2021 - 2026, lãnh đạo 4 Ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội và Dân tộc của HĐND tỉnh đều là đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách. 

Đánh giá, việc bố trí trưởng các Ban HĐND tỉnh như nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một cuộc cách mạng rất lớn, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, điều này thể hiện sự tin tưởng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào cá nhân từng đồng chí. Do đó, Trưởng các Ban HĐND tỉnh phải thể hiện tâm thế vững vàng, chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Tin mới