Thay vì suy đoán ‘thỏa thuận bí mật’, hãy tìm hiểu sự tương tác giữa Trung Quốc và Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm Nga từ ngày 18 đến 21 tháng 9, và tham dự vòng tham vấn an ninh chiến lược giữa Trung Quốc và Nga lần thứ 18.

5563187178137267970a-Nga-TQ-8456-1695081325.jpg
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại Moskva ngày 18/9. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Theo Global Times, cơ chế tham vấn chiến lược Nga-Trung được thiết lập vào năm 2005 do lãnh đạo hai nước khởi xướng. Về nguyên tắc, các cuộc tham vấn được tổ chức thường niên. Đây được xem là một ví dụ về cơ chế liên lạc cấp cao giữa hai quốc gia lớn.

Trọng tâm của cuộc tham vấn an ninh này là gì?

Câu hỏi này đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay, từ cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài, những động thái quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, và sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, đòi hỏi một cơ chế và trật tự quốc tế công bằng hơn. Trên những bình diện này, Trung Quốc và Nga, với tư cách là hai cường quốc toàn cầu, đang giữ vai trò then chốt. Ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ Moskva và Bắc Kinh về cơ bản có tác động đến hòa bình và ổn định không chỉ trong khu vực, mà còn toàn bộ thế giới.

Cuộc tham vấn an ninh Nga-Trung này càng thu hút sự quan tâm từ truyền thông phương Tây, bởi nó diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị có cuộc gặp gỡ với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta (Mỹ) vào ngày 16 và 17/9 vừa qua. Từ đây cũng xuất hiện nhiều cách giải thích khác nhau về mục đích của tham vấn an ninh Nga-Trung.

Global Times dẫn ví dụ, một số phương tiện truyền thông phương Tây đã chỉ ra chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra ngay sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến công du 6 ngày tới Nga. Phương Tây cho rằng, sự trùng hợp này đang là cơ sở cho việc thúc đẩy mối quan hệ “Trung-Nga-Triều”.

Global Times cho rằng, quan hệ Trung Quốc và Nga đã bị truyền thông phương Tây hiểu sai nghiêm trọng. Họ nhằm mục đích miêu tả Trung Quốc, Nga, và các quốc gia khác như Triều Tiên - những quốc gia đang phải đối mặt với trừng phạt của phương Tây, như một “trục quyền lực” tập thể, đe dọa cái gọi là “thế giới tự do, dân chủ”.

Global Times giải thích, những khái niệm như “một nhóm”, “một trục”, “một liên minh”, về cơ bản khác với mối quan hệ thực tế giữa Trung Quốc và Nga, hay giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Global Times cho rằng, Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, nhấn mạnh “quan hệ đối tác hơn là liên minh”. Bắc Kinh kiên định thúc đẩy quan hệ với những quốc gia thân thiện, đặc biệt là mối quan hệ Trung-Nga, và sẽ không bị tác động bởi “lời lẽ ác ý” từ bên ngoài.

Theo đó, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho “kỷ nguyên mới” giữa Trung Quốc và Nga có động lực nội tại mạnh mẽ. Những thay đổi phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế đóng vai trò là đòn bẩy để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác chiến lược.

Global Times đưa ra nhận định, cả Nga và Trung Quốc đều là những nước lớn có quyền tự chủ chiến lược mạnh mẽ, và sự tương tác cởi mở, thẳng thắn. Do đó sẽ không thể khuất phục trước ảnh hưởng của Mỹ.

“Những ai đang bận suy đoán về các "thỏa thuận bí mật" giữa Trung Quốc và Nga, nên dành chút thời gian để tìm hiểu xem sự tương tác thực sự giữa các nước lớn sẽ như thế nào, thay vì đưa ra nhiều giả định khác nhau” - tờ Global Times bình luận.

Tin mới