Chờ đợi Cesc Fabregas của xứ Nghệ tỏa sáng.

(Baonghean.vn) - Tài năng bóng đá xứ Nghệ nhiều không kể hết, và không phải ai trong số đó cũng thể hiện được hết tài năng bẩm sinh của mình khi lên chơi chuyên nghiệp. Tiền vệ Hồ Khắc Ngọc cũng không là ngoại lệ. Đã 4 mùa giải đặt dấu giày tại V.League, nhưng phải chờ đến khi các trụ cột nơi tuyến giữa dứt áo ra đi, cầu thủ sinh năm 1992 mới thực sự đứng trước cơ hội cho riêng mình.
Viên “ngọc” thô chưa sáng
Tài năng của Khắc Ngọc được ban tuyển trạch SLNA phát hiện từ giải bóng đá phường Bến Thủy. Và chỉ một thời gian sau khi ăn tập tại lò SLNA, dấu ấn đậm nét nhất của tiền vệ này là VCK U17 QG năm 2009 diễn tại Đồng Tháp. Người hâm mộ xứ Nghệ vẫn nhớ mãi trận chung kết giúp U17 SLNA nâng cao chiếc cup vô địch sau khi đánh bại đội chủ nhà 1- 0.
Trong giải đấu đó và những giải đấu trẻ tiếp theo, hình ảnh người đội trưởng có lối chơi đầy sáng tạo và thông minh khiến nhiều người thấy nức lòng. Ai nấy thầm nghĩ trộm trong tương lai, bóng đá xứ Nghệ sẽ có một tiền vệ hào hoa. Bởi khi ấy, Khắc Ngọc đã sớm thể hiện được nhãn quan chiến thuật, tư duy chơi bóng hiện đại và minh chứng là những đường chuyền dài như đặt cho đồng đội.
Những phẩm chất đó hoàn hảo đến mức hạn chế về thể hình của cầu thủ cao 1m67 bị khỏa lấp. Thậm chí, có người đã mạnh dạn ví Khắc Ngọc trong tương lai sẽ là một “Cesc Fabregas” của xứ Nghệ. 
Khắc Ngọc trong màu áo SLNA
Khắc Ngọc trong màu áo SLNA.
Sớm hơn dự đoán, năm 2011 Khắc Ngọc được HLV Nguyễn Hữu Thắng đôn lên đội 1 tập luyện và không ít lần, nhà cầm quân sinh năm 1972 mạo hiểm trao cơ hội cho Khắc Ngọc thể hiện. Tuy nhiên có vẻ như V.League vẫn là một sân chơi quá sức với cầu thủ này. Hai năm, 3 năm rồi 4 năm, Khắc Ngọc mãi “không chịu lớn”, thậm chí khả năng phòng ngự của cầu thủ này dần trở về số 0 trước sự khắc nghiệt của sân chơi chuyên nghiệp vốn là đất diễn của những cầu thủ ngoại.
Tại SLNA giai đoạn từ 2012, Hoàng Thịnh, Văn Bình, Quang Tình và ngoại binh Hector đều là những tiền vệ chất lượng nơi tuyến giữa. V.League 2012 và 2013 (8 trận), V.League 2014 (4 trận) và V.League 2015 (9 trận), Khắc Ngọc không thực sự làm BHL yên tâm với 0 bàn thắng. Sự cạnh tranh là vô cùng khắc nghiệt và nếu cứ sống với cái bóng của một cầu thủ trẻ xuất sắc, rất khó để Khắc Ngọc trụ lại đội bóng xứ Nghệ. Không thể hiện được gì nhiều, mất tự tin, Khắc Ngọc ngày một “tù” đi. Điều này không có gì là bất ngờ, bởi giữa sân chơi trẻ và V.League vẫn là một khoảng cách xa vời.
Muộn còn hơn không
Có thể lấy Quang Tình để đưa ra sự so sánh với Khắc Ngọc. Cũng là cầu thủ đóng vai trò cầm trịch lối chơi nơi tuyến giữa, cũng có một nền tảng thể lực và thể hình không lý tưởng, nhưng bù lại, Khắc Ngọc và Quang Tình đều có lối chơi thiên về kỹ thuật và tư duy. Cựu đội trưởng SLNA cũng phải cần đến 5-6 mùa giải phập phù tại sân chơi V.League mới phát huy hết tài năng và kinh nghiệm của mình.
Mùa giải 2016, khi mà Hector, Văn Bình, Hoàng Thịnh, Quang Tình đều đã đầu quân cho những đội bóng khác, Khắc Ngọc lại thuộc lứa “đàn anh” trong số dàn cầu thủ 9x của SLNA. So với những cầu thủ cùng vị trí như Sỹ Sâm (1993), Mạnh Dũng (1994), Thanh Phong (1993), Ngọc Toàn (1994), Khắc Ngọc là cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu tại sân chơi V.League.
Khắc Ngọc (12) từng được triệu tập chuẩn bị cho ASIAD17
Khắc Ngọc (12) từng được triệu tập chuẩn bị cho ASIAD17
Với vai trò là một cầu thủ kiến thiết bóng và điều tiết lối chơi, Khắc Ngọc được HLV Ngô Quang Trường thường xuyên bố trí đá chính trong các trận đấu giao hữu trước thềm mùa giải mới. Và dĩ nhiên, không ai khỏa lấp được khoảng trống mà Quang Tình để lại tốt hơn Khắc Ngọc. Các cầu thủ SLNA đang đặt ra một giả thiết, Ngọc Toàn sẽ là người chơi thấp hơn, hỗ trợ Khắc Ngọc. Nhưng nếu Khắc Ngọc gặp chấn thương, đó sẽ là một bài toán thực sự với BHL đội bóng xứ Nghệ trong mùa giải mới, bởi các cầu thủ còn lại đều thiên về lối chơi càn quét, phòng ngự. 
Chỉ ít ngày nữa thôi, V.League 2016 sẽ khởi tranh và nhiệm vụ đặt lên vai Khắc Ngọc là không hề nhỏ. Khi mà hàng phòng ngự và hàng tiền đạo của SLNA được cho là mạnh, thì nỗi lo dành cho tuyến giữa là khó tránh khỏi. Không có người cầm nhịp lối chơi và điều tiết bóng, ưu thế về hàng hậu vệ và tiền đạo của SLNA cũng coi như vô dụng khi không có cầu nối. 
Bây giờ, có nhắc đến tầm quan trọng của Quang Tình trong lối chơi với SLNA thì cũng đã quá muộn. Nhưng ngược lại, nếu họ không ra đi, sẽ chẳng bao giờ có đất diễn cho những tài năng trẻ như Hồ Khắc Ngọc. Những gì tích lũy được trong 4 năm thi đấu đỉnh cao, chắc chắn sẽ là hành trang cho cậu bé không may mồ côi cha phấn đấu. Canh bạc của BHL SLNA với cầu thủ 24 tuổi này cũng là cơ hội, nhưng cũng là trách nhiệm cho bản thân Khắc Ngọc.
Muộn còn hơn không!
Trong giai đoạn thi đấu tại V.League cho SLNA, Khắc Ngọc chỉ có 2 lần được xếp đá chính mùa giải 2014 và 3 lần trong đội hình chính thức mùa giải 2015. Từ năm 2012 đến nay, tiền vệ sinh năm 1992 chưa từng có một bàn thắng nào tại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Đó quả thực là một thành tích khó tin với một cầu thủ tài năng như Khắc Ngọc.
Trung Kiên

Tin mới