Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán xung đột Ukraine sẽ không kết thúc trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan bày tỏ lo ngại về khả năng chiến sự lan rộng trong khu vực.

65f9386985f54013eb6e5f3a.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Venezuela ở Caracas vào ngày 24/2 vừa qua. Ảnh: AFP

Theo hãng tin RT, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan mới đây cho rằng, xung đột Ukraine khó có thể được giải quyết sớm và có khả năng leo thang hơn nữa.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN Turk hôm 18/3, vị bộ trưởng ngoại giao tuyên bố rằng sự thù địch giữa Moskva và Kiev đã "biến thành chiến tranh tiêu hao", điều mà ông cho là vấn đề nghiêm trọng khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại.

“Về mặt chiến lược, chúng tôi lo ngại về việc xung đột lan rộng sang khu vực này”, ông Fidan nói và cho biết thêm rằng quá trình này “bắt đầu bằng lời nói và sau đó chuyển thành hành động”. Ông cảnh báo, châu Âu “nên lo lắng về tình hình ở Ukraine hơn chúng tôi”.

Bình luận về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình, Bộ trưởng cho biết, “không có cơ sở để mong đợi sự phát triển về vấn đề này trong năm 2024. Chúng tôi không nhìn thấy khả năng này trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, ông lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ có một số sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột và là một trong số ít các quốc gia trong NATO, EU và các nền tảng quốc tế khác kêu gọi hòa bình. Theo ông Fidan, Ankara có vị thế tốt để theo đuổi chính sách này vì nước này có quan hệ tốt với cả hai bên tham chiến.

Kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Moskva và Kiev chấm dứt chiến sự, đồng thời cung cấp địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình trong năm đó. Theo RT, trong khi các cuộc đàm phán - xoay quanh vấn đề trung lập của Ukraine - ban đầu đạt được một số tiến triển, thì Kiev sau đó lại không tham gia nữa. Moskva tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã bị làm chệch hướng bởi Thủ tướng Anh lúc đó là ông Boris Johnson, người đã khuyên Ukraine tiếp tục chiến đấu. Về phần mình, ông Johnson đã phủ nhận việc này.

Hôm 15/3, ông Fidan cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc “tách bạch vấn đề chủ quyền của Ukraine với lệnh ngừng bắn” để ngăn chặn xung đột, nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Kiev sẽ công nhận các lợi ích lãnh thổ của Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với ban lãnh đạo hiện tại ở Moskva vào mùa thu năm 2022, sau khi 4 khu vực trước đây thuộc Ukraine bỏ phiếu áp đảo trong các cuộc trưng cầu ý dân để sáp nhập vào Nga. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Moskva sẵn sàng đàm phán với Ukraine miễn là Kiev và những nước phương Tây hậu thuẫn nghiêm túc về hòa bình lâu dài với Moskva, chứ không chỉ vì họ "đã hết đạn dược".

Tin mới