Thơm ngát những mùa Sen!

(Baonghean.vn) - Mỗi độ Tháng Năm về, trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt dù ở nơi đâu cũng hướng về Kim Liên – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Như một lời hẹn ước, vào dịp sinh nhật Bác, Lễ hội Làng Sen lại được tổ chức để mọi người có sự cảm nhận rõ nét hơn những mùa sen mãi ngát hương trên quê hương Bác.

Mặc dù Lễ hội Làng Sen mãi tối 17/5 mới diễn ra, song ngay từ sáng sớm ngày 17, Kim Liên đã rộn ràng với những sắc màu văn hóa lễ hội; trong mỗi xóm làng ai cũng náo nức. Trong các xóm Ngọc Đình, Mậu Tài, Vân Hội, Đại Đồng đã rộn ràng tiếng trống, rợp màu cờ hội; Nhà văn hóa xã ồn ả tiếng hò reo cổ vũ các trận bóng chuyền sôi nổi giữa 16 đội mạnh từ các huyện, thành, thị trong tỉnh về tham dự góp vui; trên sân vận động, hội trại thanh niên cũng được gấp rút dựng lên; các triển lãm ảnh về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Bác, thu hút đông đảo người xem…

 
 

                 Chương trình văn nghệ trong Lễ kỷ niệm

 

  Chương trình văn nghệ đã tái hiện hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.                    Ảnh:Sỹ Minh

Tại Hoàng Trù, Làng Sen, dòng người bốn phương hội tụ đi về trong thương nhớ. Ông Nguyễn Đăng Thượng, năm nay 62 tuổi, là người dân “quê hương thứ 2” của Bác – Cao Bằng đã rất vui mừng khi lần đầu tiên về thăm Kim Liên lại vào đúng hội Làng Sen. Ông Thượng xúc động thấy năm nay chỉ là lễ hội cấp tỉnh nhưng được tổ chức trọng thể, nghiêm trang, thể hiện tấm lòng biết ơn vô hạn tới Người. Ông Thượng chia sẻ: Tôi thấy vinh quang cho đất nước mình, cho dân tộc mình có Bác Hồ - một tấm gương thật chói lọi để toàn dân tộc học theo. Mà muốn Bác Hồ được sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta thì không có cách nào bằng cách toàn Đảng, toàn dân thấm đượm tư tưởng, đạo đức Bác, quyết tâm đi theo con đường Bác đã chọn. Phải luôn sống Cần, Kiệm, Liêm, Chính; dù ở đâu, làm gì cũng không được quên mình là người Việt Nam, là con cháu của Bác Hồ kính yêu

Còn bà Trần Thu Thủy, một cựu giáo viên ở tỉnh Thái Nguyên, tay cứ mân mê những kỷ vật như muốn tìm lại đâu đây hơi ấm của Người. Bà Thủy tâm sự: “Tôi rất xúc động về cách sống giản dị của Bác Hồ. Nghe kể nhiều về thân thế và sự nghiệp của Bác, nhìn thấy kỷ vật trong nhà Bác, mọi người ai cũng xúc động rơi lệ. Lễ hội lần này, không chỉ đêm khai mạc mà những chương trình tiếp theo tôi sẽ tham dự trọn vẹn.

 

                                  Hành hương về quê Bác Làng Sen

 

                              Trang nghiêm lễ rước ảnh Bác

 

                Thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Người. Ảnh: SM

Ông A Đủ, một người con dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum về thăm Hoàng Trù hôm nay thì tâm tình: Dù chưa một lần được đón Bác Hồ vào thăm, song đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, già Hồ, Bok Hồ, Giàng Hồ là hình ảnh luôn gần gũi, thân thương. Người là ánh sáng, là niềm tin, là sức mạnh. Tình cảm ấy như tiếng cồng, tiếng chiêng reo vui mừng chiến thắng, mừng mùa bội thu vang mãi nơi đại ngàn hùng vĩ. Trong ánh lửa bập bùng dưới mái Nhà rông, Nhà dài hàng đêm, bà con các dân tộc Tây Nguyên vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động về  già Hồ.

Lễ hội Làng Sen năm nay có khoảng 500 diễn viên chuyên và không chuyên về từ 20 huyện thành thị và các trung tâm, đoàn nghệ thuật trong tỉnh tham gia biểu diễn các chương trình văn hoá, văn nghệ đặc sắc. Lễ hội còn có sự tham gia của hàng trăm vận động viên đua tài trong các giải đấu thể thao. Ông Vi Sắt Son- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương đã rất nhiều lần về tham dự lễ hội tâm sự: Mỗi lần về tham dự lễ hội hay về dâng hương, tham quan tại Khu di tích Kim Liên, tôi càng thấm sâu những gì đã được nghe, được học tập về tấm gương sáng ngời của Bác… Về Lễ hội lần này, Đoàn Tương Dương đã chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợ Đảng, Bác Hồ, que hương đất nước. Tương Dương quyết tâm học tập và làm theo lời Người, góp phần đưa huyện nhà thoát nghèo, phát triển đi lên.

8 giờ tối, đông đảo người dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và đông đảo du khách đã tập trung về sân vận động Làng Sen – nơi diễn ra lễ khai hội Làng Sen 2012. Chính tại sân vận động này, trong 2 lần Bác về thăm quê đã nói chuyện cùng bà con quê nhà. Bà con Kim Liên vẫn còn nhớ như in lời Người năm ấy: Trong lần đầu tiên về thăm quê năm 1957, Bác mở đầu buổi nói chuyện với bà con bằng 2 câu thơ như được rút từ ruột gan: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...". Bác còn dặn: "Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Kim Liên xây dựng được xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm lần nữa...".

Lần thứ hai Bác về thăm quê năm 1961, Bác mong mọi người có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn" cho mọi người cùng hát…Vinh dự là một trong những học sinh tiêu biểu của huyện được rước ảnh Bác từ nhà tưởng niệm ra sân vận động, em Đinh Văn Hậu, học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Kim Liên cho hay: Được nghe nhiều câu chuyện về Bác, em thấy Bác như là người ông của mình. Em sẽ cố gắng làm tốt những điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, là phải cố gắng học cho giỏi, phải biết giúp đỡ bạn bè và sống chan hòa với mọi người.

 

Các đoàn đến từ các huyện, thành thị trong tỉnh tham gia Lễ hội Làng Sen 2012

Kim Liên những ngày này mơn man nắng, thơm ngát mùa sen - hồn hậu, nồng ấm như bao miền quê khác. Vẫn còn đây những lũy tre xanh bình dị, nếp nhà nhuốm màu thời gian, cánh đồng bắt đầu vụ gặt, đàn trâu đằm giữa ao chuôm. Có một Kim Liên hôm nay đang đồng hành phát triển cùng nhiều địa phương khác trong cả nước giữa những mùa sen bất tận.

Gặp gỡ trong đêm hội Làng Sen, ông Thái Văn Nông, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn tâm sự: Trước lúc đi xa Bác mong muốn Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An phải là xã, là huyện, là tỉnh khá nhất. Ghi nhớ và thực hiện nguyện ước của Người, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn và xã Kim Liên nói riêng đã đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực.

Sau hơn 1 năm thực hiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, 23/23 xã trong huyện đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và được phê duyệt. Với 136 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới( trong đó nhân dân đóng góp 30 tỷ đồng), đường giao thông, công trình thủy lợi, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá và các công trình phúc lợi khác của xã đã và đang được triển khai xây dựng, sẽ làm thay đổi mạnh mẽ quê hương Bác,  xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thỏa lòng mong mỏi của Bác kính yêu đối với quê nhà.

Trần Hải – Thành Chung

Tin mới