Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đại diện cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài

Phấn đấu đến năm 2015, văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam sẽ có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến năm 2020 con số này tăng lên 32.

Thông tin này được nêu trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Dự thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì soạn thảo.

Dự thảo nêu rõ yêu cầu quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài phải phù hợp với Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ưu tiên thiết lập các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam tại những địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại, như tại những nước lớn có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu; Những nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế và du lịch với Việt Nam; Những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; Những nước có đông người Việt Nam sinh sống; Các nước láng giềng, các nước ASEAN.

Theo dự thảo Quy hoạch, có 4 cơ quan mở văn phòng thường trú ở nước ngoài gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị chủ lực.

Mỗi địa bàn chỉ có một văn phòng thường trú

Việc cấp phép mới cho hoạt động của các văn phòng thường trú ở nước ngoài của cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam cần đảm bảo nguyên tắc tại một quốc gia chỉ có một văn phòng thường trú chung của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam.

Biên chế của một văn phòng thường trú ở nước ngoài của một cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam không quá 03 người.

Đối với các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước: Xây dựng văn phòng thường trú chung tại các địa bàn dự kiến thành lập văn phòng thường trú trong giai đoạn 2012 – 2020 trên cơ sở giao cho Thông tấn xã Việt Nam làm đơn vị đầu mối thành lập văn phòng, các cơ quan khác cử phóng viên thường trú sử dụng chung văn phòng.

Còn đối với các văn phòng thường trú đang hoạt động, theo nguyên tắc hết hợp đồng thuê văn phòng, đơn vị sẽ không thuê lại trụ sở mà phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam để sử dụng chung văn phòng.

Toàn văn dự thảo này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lấy ý kiến nhân dân.

Theo (Chinhphu.vn)-L.T

Tin mới