Nghệ An phải khẳng định được vốn quý về con người

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng, con người hiếu học, cần cù nhưng tại sao vẫn là tỉnh nghèo? Trên tinh thần thẳng thắn, nhìn vào những hạn chế, chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành với tỉnh Nghệ An vào các ngày 14 - 15 vừa qua, đã mở ra nhiều vấn đề. Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết luận, tháo gỡ nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo động lực cho tỉnh phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cảng biển Nghi Thiết, Nghi Lộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cảng biển Nghi Thiết, Nghi Lộc.

Khơi thông “điểm nghẽn” hạ tầng

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghệ An có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, những bước tiến đó vẫn chưa xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

Đây là vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức trăn trở. Một trong những nguyên nhân là hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường biển, hàng không vẫn còn hạn chế nên chưa tạo được lợi thế trong thu hút đầu tư. Đây là vấn đề được các doanh nghiệp dự buổi làm việc với Thủ tướng đặt ra.

Ông Huỳnh Quang Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: VSIP đã đưa hơn 67 doanh nghiệp, đặc biệt các đối tác nước ngoài, cụ thể là có 47 công ty từ Bình Dương ra, nhưng trong suốt thời gian qua chỉ ký được hai dự án. Hầu như vấn đề các nhà đầu tư lo ngại về kết nối hạ tầng, trong đó có cảng biển, vì các công ty này cần cảng để xuất, nhập khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xây dựng cụm cảng biển quốc tế và nội địa ở Cửa Lò.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xây dựng cụm cảng biển quốc tế và nội địa ở Cửa Lò.

Chia sẻ những khó khăn về hạ tầng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Theo đánh giá, hàng hóa đi theo đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương qua eo biển Malacca chi phí lớn. Do đó, các nước rất tâm đắc với tuyến cao tốc nối về Thanh Thủy - Pacxan (Lào). Nếu tuyến đường này được thực hiện, Nghệ An được xác định là điểm trung chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

“Xuất hiện cơ hội này, chúng ta phải nghĩ đến để định hướng cho Nghệ An phát triển” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị, quy hoạch sớm cảng Cửa Lò bao trùm lên cảng Nghi Thiết và phân khu chức năng rõ ràng, đặc biệt quy hoạch cảng thì cần có hậu cần sau cảng để trung chuyển hàng hóa khi có tuyến đường cao tốc này.

Một vấn đề khác mà đại diện lãnh đạo Bộ GTVT đề cập đó là Cảng Hàng không Vinh đã trở nên quá tải, cần phải cải tạo nhà ga cũ thành nhà ga quốc tế có đường ống dẫn để đưa đón khách.

Đây cũng là vấn đề mà trong phần trình bày của mình, cả Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đều kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Bởi những công trình này tạo thành mạng lưới giao thông rất thuận lợi về cả đường bộ, đường không, đường biển, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư.

Từ những kiến nghị đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương tiến hành sớm đường cao tốc Pacxan - Thanh Thủy và chính thức giao Bộ Giao thông Vận tải xử lý các nguồn lực để triển khai tuyến đường quan trọng này gắn với xây dựng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Sân bay Vinh sẽ được đầu tư nâng cấp đáp ứng tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế. Ảnh Sỹ Minh
Sân bay Vinh sẽ được đầu tư nâng cấp đáp ứng tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế. Ảnh Sỹ Minh

Về sân bay Vinh, Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì để sớm làm nhà ga và một số trang thiết bị cần thiết để có sân bay quốc tế. Thủ tướng cũng đồng ý xây dựng cụm cảng biển quốc tế và nội địa ở Cửa Lò; tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, phải quy hoạch phân khu chức năng để không có mâu thuẫn trong việc phát triển lâu dài.

“Cửa khẩu, đường bộ quốc tế, sân bay quốc tế để Nghệ An vươn lên phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương nghiên cứu để triển khai sớm cầu Cửa Hội; còn đối với đại lộ Vinh - Cửa Lò, Thủ tướng chia sẻ: “Từ rất lâu tôi muốn xây dựng TP. Vinh thành thành phố lớn 1 triệu dân. Khi đó, Cửa Lò và Vinh là một đơn vị hành chính và là thành phố biển nổi tiếng của Việt Nam. Cho nên đại lộ Vinh - Cửa Lò rất cần thiết. Chúng tôi sẽ đồng ý ghi trái phiếu Chính phủ bổ sung cho các đồng chí, ngoài ra các đồng chí có hình thức đầu tư khác để xây dựng đại lộ này”.

Đổi mới tư duy để phát triển

Bên cạnh tháo gỡ những “điểm nghẽn” về hạ tầng cho tỉnh, thì vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là tỉnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy để phát triển, qua đó thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã chia sẻ, gợi mở những định hướng cho Nghệ An.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đặt vấn đề nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, trong điều kiện cơ chế chính sách, ưu đãi khác nhau không nhiều, nhưng tốc độ phát triển của các địa phương lại khác nhau.

Tuy nhiên, theo quan điểm lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi nghiên cứu mô hình tăng trưởng ở khoảng 40 nước và đối chiếu vào mô hình phát triển của Nghệ An tuy có chậm, nhưng cảm thấy yên tâm vì có sự bền vững. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với chủ đầu tư VSIP Nghệ An.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với chủ đầu tư VSIP Nghệ An.

Đồng tình về vấn đề này, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, qua theo dõi 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cho thấy, Nghệ An có quyết tâm lớn. Công nghiệp có bước phát triển, đặc biệt tỉnh đã đánh giá vai trò rất quan trọng của nông nghiệp, khai thác tiềm năng của miền Tây, không chỉ với các dự án lớn mà còn là các mô hình hiệu quả như trồng cam, chanh leo… “Đây là bước chuyển và tư duy mới”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Còn với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, thay vì hỗ trợ khu vực công chuyển sang đẩy mạnh hỗ trợ khu vực tư. Cụ thể với lĩnh vực nông nghiệp, để tái cơ cấu phải rút một phần lao động ra khỏi khu vực này, đồng thời hình thành một loạt chính sách cụ thể, rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Còn dưới góc độ của ngành, Bộ trưởng Bộ Lao động  - Thương binh và  Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị, cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ miền Tây Nghệ An để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo người đứng đầu bộ này, Nghệ An còn 95.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn hơn 12%, trong khi cả nước là 9,88%.

Về tỷ lệ hộ cận nghèo cũng cao hơn bình quân cả nước, tương ứng là 10,23% so với 5,22%. Riêng 3 huyện 30a và một huyện áp dụng một số tiêu chí huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm công tác giảm nghèo, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân... 

Lắng nghe các ý kiến của các bộ, ngành và của tỉnh Nghệ An, Thủ tướng đã tiếp tục đánh giá, tỉnh đã có bước phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và chuyển dịch đúng hướng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Nghệ An chưa thực sự đột phá và chưa trở thành một tỉnh khá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng nông dân sản xuất giỏi ở Nam Giang, Nam Đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng nông dân sản xuất giỏi ở Nam Giang, Nam Đàn.

Do đó, Thủ tướng gợi mở tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy phát triển mạnh mẽ để phát huy tiềm năng thế mạnh với mô hình sản xuất đa dạng; huy động nhiều nguồn lực cho phát triển nhất là nguồn vốn tư nhân. Trong phát triển, chú ý bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng. Đặc biệt, tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính.

“Vốn quý của Nghệ An là con người cần cù, nhẫn nại, thông minh, quyết liệt. Vốn quý đó phải được khẳng định” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đoàn kết một lòng, tiếp tục xây dựng Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn, tốc độ cao hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước đối với tỉnh quê hương của Bác Hồ.

Nhóm P.V 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới