HĐND khảo sát: Phụ huynh và nhà trường chưa tìm được tiếng nói chung về mô hình VNEN

(Baonghean.vn) - Chiều 2/11, đoàn công tác do đồng chí Hồ Phúc Hợp - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh làm trưởng đoàn tiếp tục khảo sát việc thực hiện mô hình dạy học mới VNEN tại một số trường trên địa bàn TP. Vinh.

Đoàn khảo sát tại 2 trường Tiểu học Hưng Dũng 1 và THCS Hưng Dũng. Cùng tham gia có đại diện Phòng GD&ĐT TP. Vinh, lãnh đạo phường Hưng Dũng và ban giám hiệu, phụ huynh học sinh các trường liên quan.

Đoàn làm việc với 2 trường Tiểu học Hưng Dũng 1 và THCS Hưng Dũng.
Đoàn làm việc với 2 trường Tiểu học Hưng Dũng 1 và THCS Hưng Dũng.

Báo cáo với đoàn công tác về tình hình dạy và học theo mô hình VNEN, cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 cho biết: Trường có 1.035 học sinh, 31 phòng học với 31 lớp học cả ngày; có 68 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó biên chế 49 người. Trường là 1 trong những trường đầu tiên ở TP. Vinh được lựa chọn thí điểm dạy học theo mô hình VNEN .

Sau 3 năm thực hiện, kết quả cho thấy cơ bản mô hình phát huy được hiệu quả, đạt chất lượng tốt. Các năm học đều có 99,8% - 100% học sinh hoàn thành chương trình, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Hầu hết phụ huynh đều đồng tình với việc triển khai phương pháp dạy học mới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế về cơ sở vật chất, giáo trình sách giáo khoa. Năm học 2016 - 2017, có phụ huynh của 3/31 lớp không đồng ý triển khai theo mô hình VNEN.

Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 biểu diễn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016.
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 biểu diễn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016.

Báo cáo với đoàn khảo sát, thầy Ninh Viết Tăng - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng cho biết: Năm học 2016 - 2017, trường có 338 học sinh với 9 lớp gồm 4 lớp 6 với 148 học sinh và 5 lớp 7 với 190 học sinh. Năm học 2015 - 2016, trường xếp thứ 2 trên 24 trường THCS về chất lượng dạy học.

Năm học 2016 - 2017 có 2 lớp với 334 học sinh ở 2 khối 6 và 7 học theo mô hình VNEN. Đánh giá về hiệu quả dạy học theo mô hình này cho thấy kết quả tốt. Năm học vừa qua, trường tiếp tục xếp thứ 2 trong các trường THCS trên địa bàn TP. Vinh.

Tuy nhiên, áp dụng theo phương pháp học nhóm đã nảy sinh một số bất cập, khiến học sinh gặp khó khăn trong tư thế ngồi, trong quan sát bài học. Bên cạnh đó, tài liệu học tập chưa được trang bị đầy đủ. 

Thầy Ninh Viết Tăng
Thầy Ninh Viết Tăng - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

Thầy Ninh Viết Tăng cũng báo cáo về việc đầu tháng 9, hơn 290 phụ huynh của 9 lớp có đơn kiến nghị lên các cấp liên quan về việc dừng dạy học mô hình VNEN, trong đó, các phụ huynh lo lắng về chất lượng học tập của con em, về cơ chế thi cử, hạn chế về cơ sở vật chất, lớp học không phù hợp với cách tổ chức dạy học theo mô hình VNEN…

Nhà trường và giáo viên đã gặp gỡ, đối thoại với phụ huynh, giải thích về những đặc điểm của mô hình dạy học VNEN nhưng các phụ huynh vẫn đề nghị nhà trường không áp dụng mô hình này.  

Vì vậy, giữa nhà trường và phụ huynh chưa tìm được tiếng nói chung. Thầy Ninh Viết Tăng đề nghị các cấp có liên quan xem xét phối hợp với nhà trường tìm giải pháp trong việc áp dụng mô hình dạy học VNEN để cán bộ, giáo viên nhà trường ổn định tư tưởng, chuyên tâm công tác.

Các phụ huynh tham gia buổi khảo sát đề xuất các cấp, ngành liên quan có quyết định và chỉ đạo rõ ràng đối với việc có hoặc không áp dụng mô hình dạy học VNEN tại 2 trường, để phụ huynh cũng như học sinh và giáo viên ổn định tâm lý, yên tâm chăm lo việc học của con em.

ông Liên
Ông Nguyễn Khắc Liên, đại diện phụ huynh lớp 7C Trường THCS Hưng Dũng đề nghị không áp dụng mô hình dạy học VNEN tại trường mà con em mình theo học. Ông Liên cho rằng, triển khai mô hình dạy học mới này các cấp, ngành liên quan chưa chuẩn bị sẵn sàng các bước cần thiết để mô hình phát huy hiệu quả.


Trước những băn khoăn, lo lắng của các bên liên quan, bà Ngô Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP. Vinh đã có những giải đáp và mong muốn các nhà trường cùng các bậc phụ huynh, các cấp ngành từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Bà Nguyệt cũng cho rằng, các bên liên quan nhìn nhận và đánh giá khách quan để tìm giải pháp có lợi cho học sinh, giáo viên. 

Kết thúc cuộc giám sát, đồng chí Hồ Phúc Hợp ghi nhận những phản ánh của các bên liên quan để tổng hợp, chuẩn bị cho nội dung làm việc phiên tiếp theo của HĐND tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị, trước khi các cơ quan chức năng có những giải pháp hợp lý thì các bậc phụ huynh cần tiếp tục phối hợp tốt với nhà trường để nâng cao chất lượng học tập của con em mình./.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới