‘Thủ phủ’ chanh Nam Kim mất dần giống chanh bản địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Gần nửa thế kỷ nay, cây chanh là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính cho người dân các xã vùng đồi ở huyện Nam Đàn. Thế nhưng, khoảng 3 năm lại đây, giống chanh bản địa dần thoái hoá, năng suất kém, nhiều vườn chanh chết rũ vì bệnh, người dân trăn trở tìm cách khôi phục…

bna_chết héo.JPG
Những vườn chanh héo khô, thoái hoá ở Nam Kim, Nam Đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Năm nay 70 tuổi thì vườn chanh của cựu chiến binh Võ Văn Quang (xóm 5, xã Nam Kim) cũng đã ngót nghét 45 năm. Mảnh vườn 200 gốc chanh là sinh kế chính của cả gia đình, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành và nay là nguồn thu chủ yếu của 2 ông bà già không có lương hưu.

Năm được mùa, mỗi gốc chanh cho 60-80 kg quả, vụ trái bù vụ mùa, với giá xấp xỉ từ 5.000 đồng -10.000 đồng/kg, 200 gốc chanh cũng mang lại thu nhập khoảng 60-80 triệu đồng.

Thế nhưng, 3 năm nay, vườn chanh 200 gốc của gia đình ông dần thoái hoá, năng suất kém, liên tục mất mùa, nhiều gốc chanh héo lá, chết khô.

bna_quả kém.JPG
Những cây chanh đã thoái hoá, ít quả, quả nhỏ, cằn. Ảnh: Thanh Phúc

Ông đành đốn bỏ những cây sâu, cây chết, chỉ trừ lại 50 gốc còn cho quả. “Tiếc thì để lại nhưng cũng kém lắm, thời điểm này rộ mùa nhưng chanh không có quả để hái bán. Bòn mót khắp vườn cũng chỉ được chục cân chanh”, ông Quang cho biết.

Cũng chung tình cảnh, hộ anh Phạm Minh Sơn trồng 150 gốc chanh từ năm 1978 đến nay, qua nhiều lần trồng xen, dặm những cây chanh sâu bệnh thì đến cuối năm 2022, anh phải đốn bỏ toàn bộ. “Cây chanh cũng hết vòng đời của nó, giống thoái hoá nên năng suất kém. Vậy nên, gia đình phải chặt bỏ, cải tạo lại vườn và trồng mới toàn bộ”, anh Sơn cho biết.

bna_chặt.JPG
Nhiều gốc chanh phải đốn bỏ do sâu bệnh, năng suất kém. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như cách đây 3 năm, diện tích chanh của Nam Kim lên đến 400-500ha thì nay chỉ còn 240ha và trên thực tế chỉ khoảng 100 ha chanh còn cho quả. “Hầu hết đã đốn bỏ cây chanh gốc và đang trong giai đoạn kiến thiết giống mới, phải 2 năm nữa mới cho thu hoạch. Điều đáng lo ngại là hiện nay, do đất thoái hoá sau nhiều năm nuôi cây nên giờ trồng mới nhưng khả năng sinh trưởng của cây chanh không mạnh như trước.

Hơn nữa, hiện toàn bộ diện tích trồng mới phải mua giống chanh ghép từ nơi khác về, còn chanh gốc bản địa ở đây không chiết ghép để trồng thay thế được nữa”, ông Đặng Văn Tần, công chức nông nghiệp xã Nam Kim cho biết.

bna_đổ mới.JPG
Để khôi phục lại vườn chanh, ông Quang mua đất đồi về đổ, nâng cao vườn và tạo "áo mới" cho đất. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều hộ sau khi đốn bỏ chanh đang thử nghiệm các cây trồng mới. Nhiều vườn đồi, cây chanh đã đốn bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những vườn cam, bưởi, nhãn, hoa thiên lý đang lên xanh. Tuy nhiên, theo những người dân trồng chanh lâu năm ở đây thì “đất đồi Nam Kim, không có cây gì có thể thay thế được cây chanh. Dù sao, cây chanh vẫn dễ chăm, ít đầu tư và cho thu nhập ổn định hơn cả”.

Trăn trở của người dân Nam Kim là làm sao bảo tồn, khôi phục được giống chanh bản địa - loại chanh vỏ dày nhưng nhiều nước, chua thanh và thơm. Bởi, ngoài giá trị kinh tế thì cây chanh còn là cây trồng gắn bó máu thịt với người dân nơi đây hơn nửa thế kỷ, mang trong đó là hồn đất, hồn làng, là văn hoá của vùng 5 Nam.

bna_trồng mới.JPG
Hiện ở xã Nam Kim, chỉ còn khoảng 120ha chanh cho quả, còn lại là diện tích trồng mới. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Võ Văn Quang cho biết: “Sau khi đốn bỏ những gốc chanh bệnh, chanh chết, tôi xử lý đất, thuê xe chở đất đồi về đắp vườn lên cao, tạo thành lớp “áo mới” nhằm cải thiện tình trạng cây chanh đã “chán đất”.

Đồng thời, đầu tư phân chuồng, vãi vừng, đậu thành một lớp dày dưới đất để giữ ẩm cho đất, giúp đất tơi xốp, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, hoá chất. 50 gốc chanh còn lại trong vườn hiện cũng đã hết vòng đời, song tôi vẫn giữ lại, hy vọng các cấp, các ngành nghiên cứu, tìm ra cách chiết ghép bảo tồn giống chanh bản địa”.

Clip: Thanh Phúc

Tin mới