Thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023.

Đây cũng là vấn đề mà ngành Dân số Nghệ An đang đặc biệt quan tâm, khi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Nghệ An còn rất cao và cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Nâng nhận thức về bình đẳng giới

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023 vừa được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức tại huyện Quỳnh Lưu với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Ấn tượng nhất trong chương trình là màn thuyết trình với nhiều chủ đề xoay quanh vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh do các em học sinh ở Trường THCS Hồ Xuân Hương, Trường THCS Quỳnh Lương và Trường THCS Quỳnh Châu thể hiện.

Học sinh huyện Quỳnh Lưu tham gia thuyết trình tại buổi truyền thông về Ngày quốc tế trẻ em gái.jpg
Học sinh huyện Quỳnh Lưu tham gia thuyết trình tại buổi truyền thông về Ngày Quốc tế trẻ em gái. Ảnh: Mỹ Hà

Trong các bài thuyết trình, không chỉ toát lên sự sáng tạo, sự tự tin trong cách thể hiện của các em học sinh, qua đó, còn được nghe các em nói những ý kiến, nguyện vọng, ước mơ về vai trò của trẻ em gái. Qua những chia sẻ đó, Ban Tổ chức mong muốn lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan lắng nghe và dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên; thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng mai sau.

Bài thuyết trình của em Nguyễn Thùy Linh - học sinh lớp 7A, Trường THCS Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu với chủ đề "Là con gái hãy tự tin, tỏa sáng" bắt đầu với hình ảnh người phụ nữ xưa trong xã hội phong kiến bị bóp nghẹt bởi lễ giáo hà khắc. Cùng với đó, do đặt nặng việc sinh con trai nên người phụ nữ không được tôn trọng và không có tiếng nói để bảo vệ mình. "Khi đưa ra chủ đề này, em cảm thấy rất hứng thú, bởi đây là cơ hội để chúng em được nói đến vai trò của con gái, của phụ nữ trong xã hội hiện đại" - học sinh Nguyễn Thùy Linh chia sẻ.

Chi cục Dân số - KHHGĐ trao quà cho những học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn chăm ngoan học giỏi.jpg
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trao quà cho những học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn chăm ngoan học giỏi. Ảnh: Mỹ Hà

Trong thời đại ngày nay, quan niệm về việc sinh con gái đã được thay đổi. Kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng em cũng đã nhận ra được là con gái phải tự tin để khẳng định mình; con gái không nên bó hẹp trong gian bếp, mảnh vườn mà hãy luôn theo đuổi niềm đam mê, không ngần ngại trước những thử thách…

Nguyễn Thùy Linh - HỌC SINH Trường THCS Hồ Xuân Hương

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính

Trước đó, tại xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng tổ chức chương trình truyền thông bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Tại buổi truyền thông, các báo cáo viên đã cung cấp thông tin về vấn đề để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của trẻ em gái, hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức đúng về bình đẳng giới, để qua đó góp phần tích cực chuyển đổi hành vi của người dân đối với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính trên địa bàn toàn tỉnh.

Buổi truyền thông về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh do Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức (1).jpg
Buổi truyền thông về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh do Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức. Ảnh: DSNA

Nói về các hoạt động này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “So với toàn tỉnh, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Quỳnh Lưu còn khá cao, riêng năm 2022 là 116 bé trai/100 bé gái (mức sinh chuẩn sinh học tự nhiên là 104 - 106 bé trai/100 bé gái).

Từ thực tế này, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, để qua đó, giúp người dân thấy được những hệ lụy nghiêm trọng của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt, triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động phổ biển, giáo dục pháp luật, truyền thông; thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Theo thống kê, trong năm 2022, khi tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của cả nước dao động quanh ngưỡng 113,7 bé trai/ 100 bé gái, thì tại Nghệ An tỷ số giới khi sinh đã tăng từ 113,3 bé trai/100 bé gái (năm 2012) lên 116,5 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng trên mọi địa bàn nông thôn, thành thị và các vùng, miền.

Theo ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, mất cân bằng giới tính khi sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân sâu xa từ việc các gia đình mong muốn đẻ con trai do các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường...

Đáng lo ngại, những quan niệm đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Bên cạnh đó, hiện nay, sự lạm dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp khả năng nhận biết giới tính sớm của thai nhi; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thực hiện chưa nghiêm... nên việc giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

bna_Người dân hào hứng tham gia các buổi truyền thông về dân số. Ảnh -DSNA.jpg
Người dân hào hứng tham gia các buổi truyền thông về dân số. Ảnh: DSNA

Những người làm công tác dân số cũng đã nghiên cứu và cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như gia tăng áp lực buộc các trẻ em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng giới, ly hôn, bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe toàn diện, sức khỏe sinh sản...

“Nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh. Điều này cũng có nghĩa là: chúng ta cùng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái; hãy để các em được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng này, mà cả khi các em trở thành phụ nữ, nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững".

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

Để thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân.

Trong đó, tập trung vào vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, tập trung triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới... ưu tiên các vùng sâu, vùng cao, vùng biển và ven biển.

Tin mới