Thương nhớ nghề làm nón lá Đồng Văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nằm bên bờ sông Lam, xã Đồng Văn (Thanh Chương) là một trong số ít địa phương còn lưu giữ nghề làm nón ở xứ Nghệ. Từ một nghề làm nên cơm gạo những năm gian khó thế kỷ trước, nghề nón lá đã dần sa sút, mai một trong sự trăn trở, tiếc nhớ của người dân địa phương. 

Chuyện tình làng nón

Theo những người cao tuổi ở xã Đồng Văn, nghề làm nón xuất hiện ở đây từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều thương binh được chuyển từ mặt trận về Tài Lam (Đồng Văn) để an dưỡng. Anh thương binh Trần Văn Tuy, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình được đơn vị phân về ở nhà bà Đậu Thị Thiết.

Không khí làm nón nhộn nhịp ở Đồng Văn những năm trước đây. Ảnh: Huy Thư

Không khí làm nón nhộn nhịp ở Đồng Văn những năm trước đây. Ảnh: Huy Thư

Ngày đó, cuộc sống còn khó khăn, nhưng gia đình bà Thiết đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng thương binh. Nhờ đó sức khỏe của anh Tuy nhanh chóng bình phục. Hàng ngày, anh thường giúp đỡ gia đình bửa củi, dọn dẹp vệ sinh...

Cảm nhận người Tài Lam quanh năm bám ruộng, mà cuộc sống vẫn nghèo khó, không có nghề phụ, trong một lần về phép thăm nhà, khi trở lại, anh mang theo một chiếc khuôn nón cùng những bó lá nón trắng. Anh đã tận tình hướng dẫn cho mẹ con bà Thiết cách làm nón. Nhờ khéo tay, chịu khó, chị Trần Thị Năm con gái bà Thiết tiếp thu khá nhanh, tự mình may được những chiếc nón kiểu Ba Đồn xinh đẹp.

Nguyên liệu quan trọng nhất để làm nón là lá nón. Ảnh: Huy Thư

Nguyên liệu quan trọng nhất để làm nón là lá nón. Ảnh: Huy Thư

Hồi phục sức khỏe, anh Tuy bịn rịn rời Tài Lam lên đường đánh giặc, khi tình yêu của anh thương binh và cô gái làng đang độ chín muồi. Cô Năm tiễn người yêu ra mặt trận, gửi niềm thương, nỗi nhớ vào trong công việc làm nón.

Nón cô Năm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Mẹ con bà Thiết mang nón lá bán khắp chợ Dùng, chợ Rạng… Không những chăm lo nghề nghiệp, mở mang kinh tế gia đình, cô Năm còn vui vẻ truyền nghề cho bà con trong làng.

Một chiếc khuôn nón thông dụng loại 15 vành. Ảnh: Huy Thư

Một chiếc khuôn nón thông dụng loại 15 vành. Ảnh: Huy Thư

Từ một cái khuôn nón ban đầu, chỉ sau thời gian ngắn, nhiều làng quê ở Tài Lam đã có hàng trăm hộ làm nón. Nghề nón mang lại thu nhập cho nhiều gia đình. Nón ra chợ, mang gạo, quần áo, nhu yếu phẩm về nhà, làm quà tặng cho người thân, giúp nhiều xóm làng ở Đồng Văn vượt qua nghèo đói, nuôi được con cái học hành.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về Tài Lam, anh thương binh Trần Văn Tuy đã kết hôn với chị Năm và tự nguyện sống, gắn bó lâu dài với quê vợ. Anh rất vui mừng bởi vùng quê ven sông đã phát triển nghề làm nón như quê anh ở Quảng Bình. Năm 1963, gia đình anh đã chuyển đến vùng đất mới bên kia sông Lam để định cư, nhưng “Chuyện tình làng nón” thì vẫn còn lưu truyền ở Đồng Văn để tri ân người thương binh đã đem nghề nón về làng.

Nón lá Đồng Văn được bày bán ở chợ Dùng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Nón lá Đồng Văn được bày bán ở chợ Dùng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Nghề xưa mai một

Có mặt ở xóm Lộc Xuân, xã Đồng Văn vào ngày đầu tháng 3, không khó để tìm chị Nguyễn Thị Hường (56 tuổi) - người làm nón duy nhất trong xóm. Chị Hường chia sẻ, chị biết làm nón từ khi 13, 14 tuổi. Gia đình chị đông anh em, cha mẹ và 7 chị em gái trong nhà, ai cũng biết làm nghề.

Chị Nguyễn Thị Hường đã gắn bó với nghề làm nón mấy chục năm qua. Ảnh: Huy Thư

Chị Nguyễn Thị Hường đã gắn bó với nghề làm nón mấy chục năm qua. Ảnh: Huy Thư

Riêng chị sau khi đi miền Nam làm công ty trở về đã gắn bó với nghề làm nón hơn 20 năm qua. Cùng với việc làm ruộng, nuôi lợn, nghề nón đã giúp chị xây được ngôi nhà nhỏ và nuôi con cái học hành.

Theo chị Hường, nón Đồng Văn được làm từ lá nón, vỏ măng, nứa… Lá nón mua của lái buôn đưa về từ rừng núi Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trước khi chằm nón, lá nón được hơ, là bằng trên lưỡi cày nung nóng cho phẳng phiu. Tre nứa chẻ làm vành, vót đều, uốn tròn. Mỗi chiếc nón cỡ trung bình, cần đến 15 chiếc vành. Để làm được một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn, như gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân, xâu nôi, quang dầu, phơi nắng.

Công đoạn là lá nón trên lưỡi cày nung nóng cho phẳng. Ảnh: Huy Thư

Công đoạn là lá nón trên lưỡi cày nung nóng cho phẳng. Ảnh: Huy Thư

Để làm nón đẹp, ngoài yêu cầu lá trắng, vành đều, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, mềm mại trong đường kim mũi chỉ. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỷ chuyên cần của người phụ nữ. Mỗi ngày chuyên chú, chị sẽ hoàn thiện được 1 chiếc nón, bán được 65.000 đồng, trừ chi phí, chị kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Nón của chị làm đẹp có tiếng, làm được cái nào, người dân đến mua cái đó, không phải đưa đi chợ.

Ở Đồng Văn bây giờ, người làm nón chuyên như chị Hường đã quá hiếm. Chỉ còn một vài xóm còn giữ nghề, xóm đông nhất thì 5 - 7 người. Trước đây, cả xã, xóm nào cũng có người làm nón. Những năm 80 của thế kỷ 20, nghề làm nón ở đây phát triển mạnh, nhà nhà làm nghề, đi đâu cũng thấy cảnh làm nón.

Làm được một chiếc nón lá phải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Huy Thư

Làm được một chiếc nón lá phải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Huy Thư

Trong ký ức của người Đồng Văn, nghề làm nón một thời nhộn nhịp, làm cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, quanh những chiếc đèn dầu leo lét đặt trên kiềng tre, thanh niên, phụ nữ, người già chụm đầu thi nhau chằm nón. Sáng sớm, các mẹ, các chị gánh gồng đưa nón đi chợ Dùng, chợ Rộ, chợ Đình… bán cho dân, nhập cho cửa hàng bách hóa, chiều về lại hối hả với việc chằm may. Giữa những năm 90, nghề nón lá bắt đầu sa sút, cả xã chỉ có vài chục hộ theo nghề, đến nay thì người làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện xóm Tiên Quánh là xóm có số người làm nón nhiều nhất xã, khoảng 7 - 8 người, chủ yếu là trung niên, người già. Chị Trần Thị Loan (54 tuổi) - một người làm nón có tiếng ở đây chia sẻ: “Nghề làm nón đem lại thu nhập không cao, nếu làm đều tay cũng chỉ đủ trang trải chi phí thiết yếu cho gia đình, do đó, ngày càng ít người làm nghề.

Nhiều gia đình ở Đồng Văn không còn làm nghề, nhưng đang cất giữ khuôn nón làm kỷ niệm. Ảnh: Huy Thư

Nhiều gia đình ở Đồng Văn không còn làm nghề, nhưng đang cất giữ khuôn nón làm kỷ niệm. Ảnh: Huy Thư

Khó khăn của nghề làm nón bây giờ không phải là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, mà là nguồn nguyên liệu lá nón quá hiếm, lâu lâu mới có lái buôn mang lá nón về bán, ai đặt mua, cất giữ được thì mới có nguyên liệu để làm”.

Sự thiếu thốn về nguyên liệu cộng với thu nhập thấp, may chằm công phu, khiến cho người dân không còn tha thiết với nghề. Những người còn giữ nghề ở đây cũng làm việc thất thường, bữa có, bữa không. Nhiều gia đình làm nón nổi tiếng trong vùng đã gác khuôn, cất nón từ mấy chục năm nay.

Thời gian qua, mặc dù địa phương đã có những hoạt động khuyến khích làm nghề, như dạy nghề, thi tay nghề… nhưng dường như không níu giữ được sự mai một của nghề làm nón ở Đồng Văn. Nỗi lo thất truyền của một làng nghề nức tiếng bên bờ Lam giang đang hiện hữu với bao trăn trở và nuối tiếc

.

Tin mới