Tiêm phòng gia súc, gia cầm: Tiến độ chậm, tỷ lệ thấp

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt thấp, tiến độ chậm.

Là huyện miền núi cao, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm ở Quỳ Châu gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Lê Mỹ Trang, trạm trưởng Trạm thú y huyện, năm 2015, tiêm phòng bệnh LMLM đạt tỷ lệ 75%, dịch tả lợn đạt 80%, riêng Tụ huyết trùng trâu bò chỉ đạt 47%.

Tuy được tỉnh hỗ trợ, nhưng số vacxin không đủ, như vụ xuân năm nay Quỳ Châu chỉ được cấp 8.600 liều vacxin THT trâu bò trong khi toàn huyện có 21.290 con trong diện tiêm. Điều đó làm nảy sinh tâm lý “tỵ nạnh” trong dân. Cũng như những huyện miền núi khác, bên cạnh ý thức của người dân còn quá trông chờ, ỷ lại và chủ quan, chúng tôi cũng khá khó khăn với tập quán chăn nuôi còn thả rông trong rừng của bà con.

Tiêm phòng gia cầm tại Diễn Phú, Diễn Châu
Tiêm phòng cho gia cầm tại Diễn Phú, Diễn Châu

Được coi là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng khá cao, những năm qua Nam Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp khá quyết liệt và hiệu quả. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, Nam Đàn xây dựng tốt hệ thống thú y cơ sở, khen thưởng kịp thời những xã làm tốt đồng thời xử lý nghiêm các hộ không chấp hành quy định về tiêm phòng.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hữu Quốc, Trạm trưởng Trạm thú y huyện, thì dù nỗ lực nhưng vẫn chỉ một số loại vacxin có tỷ lệ tiêm phòng khá cao như THT trâu bò đạt 78%, dịch tả lợn gần 90%, dại chó 82%. Còn các loại vacxin như LMLM, Tai xanh, Cúm gia cầm rất khó khăn, hầu như chỉ khi có dịch mới tiêm. Toàn huyện có 48 nghìn con lợn, gần 36 nghìn con trâu bò  nhưng chăn nuôi hầu hết còn nhỏ lẻ, phân tán, ý thức của người dân chưa cao, kể cả những gia trại nuôi mấy trăm con gà vịt nhưng cũng không tiêm hết những loại vacxin cần thiết. Sự quan tâm, vào cuộc của các xã còn hạn chế, chỉ một số rất ít xã xử lý kiên quyết được các vi phạm trong chăn nuôi theo quy định như Nam Cát, Nam Xuân và Nam Tân. 

Tiêm phòng là biện pháp cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, nhưng tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn thấp. Theo ông Đặng Văn Minh - Chi  cục phó Chi cục thú y tỉnh, thì nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp là do một số chính quyền cấp huyện, xã chưa chỉ đạo kiên quyết công tác tiêm phòng; xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; chưa quản lý tốt công tác xuất, nhập đàn và tiêm phòng tại cơ sở, trang trại chăn nuôi.  

Hiện đang là thời điểm các địa phương gấp rút chuẩn bị triển khai tiêm phòng vụ Xuân năm 2016, thời gian tiêm phòng sẽ diễn ra từ 15/3/2016 đến 15/4/2016 nhưng  đến nay, số lượng vắc xin các huyện đăng ký tại Chi cục Thú y đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ 61,8% đối với vắc xin THT trâu bò, còn các loại vắc xin khác như THT lợn, DTL, dại chó chỉ đạt dưới 30% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Với số lượng đăng ký như vậy, chưa thể đảm bảo tỷ lệ bảo hộ cho đàn vật nuôi, do vậy việc khống chế dịch bệnh tại các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để công tác tiêm phòng định kỳ vụ xuân năm nay đạt kết quả tốt, các xã phải tiếp tục rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các nông hộ, trang trại, gia trại trong diện tiêm để khẩn trương đăng ký mua vắc xin tiêm phòng, những xã đăng ký thấp yêu cầu phải đăng ký lại nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm.  

 Theo báo cáo của Chi cục thú y tỉnh, năm 2015, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin THT trâu bò đạt 65 - 68%; THT lợn, dịch tả lợn, dại chó đạt dưới 35% so với kế hoạch, đặc biệt có xã còn bỏ trắng không tiêm, dẫn đến dịch bệnh vẫn thường xuyên xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và nhà nước. Hàng năm có khoảng 8 đến 11 người bị chó dại cắn phát bệnh gây tử vong.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới