Trồng măng tây xanh ở Đô Lương

(Baonghean) - Xã Đông Sơn (Đô Lương) là vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt khá phát triển. Qua khảo sát đất ở đây, phòng Công thương huyện Đô Lương lựa chọn điểm xây dựng mô hình trồng măng tây xanh tại vùng đất bãi ở xóm 6 với diện tích 2ha.

Tháng 3 năm 2012, khi có chủ trương trồng măng tây xanh, chọn xóm 6 làm điểm, gia đình ông Hoàng Văn Mùi đã tiên phong nhận trồng hơn 1 ha. Vùng đất được lựa chọn nằm bên dòng sông Lam, là đất bãi phù sa có độ tơi xốp cao, giàu chất dinh dưỡng, không bị nhiễm các chất độc hại, nguồn nước tưới lấy từ sông Lam rất thuận tiện. Giống măng được Công ty Thái Hòa bán giá 10 ngàn đồng/gốc và chỉ trả trước 50%, ông Mùi mua 11.000 gốc măng trồng trên 1 ha. Tháng 9/2012,  những chồi măng đầu tiên nhú lên mặt đất khoảng 25 - 30 cm - đã đến kỳ thu hoạch. Theo đúng quy trình, đây là lứa măng tơ phải thu hoạch trong vòng 15-20 ngày và phải thu hết kể cả cây không đạt chất lượng để dưỡng cây mẹ, tránh cho cây không bị kiệt sức làm giảm chất lượng, năng suất lứa măng sau.

Những ngày nắng ấm, mỗi ngày ông Mùi thu hoạch từ 20 - 25 kg với giá bán từ 50 - 70 ngàn đồng/kg tùy loại. Ông Mùi cho biết: “Đặc điểm của măng tây là phải thu hoạch từ 5 giờ đến 8 giờ sáng để sản phẩm măng có chất lượng cao, không để măng tiếp xúc với ánh nắng làm chồi măng già, có nhiều chất xơ, giảm giá trị chất lượng dinh dưỡng của măng”.

             Ông Hoàng Văn Mùi (xã Đông Sơn) đang chăm sóc măng tây xanh.

Măng tây xanh là loại cây trồng mới, năng suất tăng dần theo thời gian, có thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước. Thu hoạch chồi măng theo chu kỳ kéo dài 2 - 2,5 tháng/đợt, thu măng hàng ngày, mỗi năm chỉ tạm ngừng khoảng 3 tháng giá lạnh măng không có chồi. Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây cho 2 - 3 mầm, từ năm thứ 2 trở đi mỗi cây sẽ cho 8 - 10 mầm và nhiều hơn với khối lượng 50 - 60/mầm. Sang năm thứ 7 - thứ 8, khi năng suất và chất lượng măng đã giảm thì cần phá đi để trồng mới.

Măng tây xanh là thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu dược tính, có tác dụng tốt trong phòng trị đường tiêu hóa, gan, tiểu đường, thận, gút, chống lão hóa, tăng cường sinh lực. Nhiều địa phương trong nước như Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng), Đức Trọng (Lâm Đồng… đã trồng và cho năng suất cao. Chính vì vậy, thử nghiệm để có mức độ đầu tư thích hợp và chuyển đổi cây trồng phù hợp là một hướng đi được huyện Đô Lương chú trọng.

Bước đầu cho thấy cây măng tây xanh trên đất bãi Đô Lương, sinh trưởng và phát triển tốt kết quả mô hình trừ chi phí đầu tư giàn chống đổ cây, phân bón, công chăm sóc, mỗi tháng có thể thu được hàng chục triệu đồng. Tháng 1/2013, Sở Khoa học Công nghệ đã đầu tư cho ông Hoàng Văn Mùi 3.000 gốc măng giống để trồng tiếp trên vùng đất bãi, cùng với đó, Ban quản lý dự án cũng đang trăn trở tìm hướng cho đầu ra.

Ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương - chủ nhiệm dự án, cho biết: “Hiệu quả đã rõ, nhưng do sản phẩm măng tây xanh giá cả còn cao, chưa thể bán đại trà làm rau hàng hóa được nên địa phương chưa đầu tư rộng. Trước mắt cần phải tìm được thị trường tiêu thụ số lượng lớn mới có thể đầu tư nhân rộng những vùng đất bãi trên địa bàn huyện”.

Đạm Phương

Tin mới