Trung Quốc thành lập siêu ủy ban chống tham nhũng

(Baonghean.vn)- Ngày 11/3, tại kỳ họp lần thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII, Quốc hội đã chính thức thành lập siêu cơ quan chống tham nhũng.

Cùng với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Quốc hội Trung Quốc đã bổ sung một điều khoản, qua đó thành lập Ủy ban Kiểm soát Quốc gia, cơ quan đầu não có vị trí cao hơn tòa án tối cao và văn phòng công tố viên hàng đầu. Với việc điều chỉnh hiến pháp, người đứng đầu cơ quan mới này sẽ được Quốc hội bổ nhiệm chính thức vào ngày 18/3 tới.

Đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua sửa đổi hiến pháp. Ảnh: AP
Đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua sửa đổi hiến pháp. Ảnh: AP
Dự kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), ông Triệu Lạc Tế sẽ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm của Ủy ban Kiểm soát Quốc gia, với giới hạn 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời sẽ đảm nhiệm song song cả hai vai trò ở ủy ban mới và CCDI.

Luật giám sát mới nêu chi tiết cách thức hoạt động của siêu ủy ban này cũng sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 20/3, cũng là ngày họp cuối cùng của kỳ họp quốc hội lần này. Quốc hội là cơ quan duy nhất giám sát hoạt động của ủy ban mới này. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Việc thành lập ủy ban này được xem là câu trả lời cho cuộc tranh cãi liên quan tới hệ thống shuanggui (song quy) hiện tại. Theo hệ thống này, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CCDI, có quyền triệu tập và bắt giữ mà không kết án bất kỳ nghi can nào vi phạm quy định và nguyên tắc của đảng. Ngoài ra, nghi phạm cũng bị cấm không được gặp luật sư khi họ bị bắt giữ trong khuôn khổ hệ thống này, vốn được nêu ra trong quy định của đảng chứ không căn cứ theo luật pháp. 

Phó Bí thư CCDI Tiêu Bối cho hay đảng Cộng sản đang tìm cách tăng cường tính hợp pháp của chiến dịch chống tham nhũng thông qua việc thành lập ủy ban mới.

Trong khi CCDI chỉ có thẩm quyền với riêng đảng viên, ủy ban mới trên sẽ có thẩm quyền đối với toàn bộ cơ quan thuộc khu vực công. Truyền thông nhà nước đưa tin luật giám sát sẽ áp dụng với toàn bộ công chức viên chức trong lĩnh vực công, bao gồm các thẩm phán và luật sư.

Tin mới