Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

BNA_4042.JPG
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Chiều 27/3, tại TP Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị cũng tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Đệ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện các ban, ngành liên quan.

BNA_4026.JPG
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Văn Trường

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,33%

Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi của thời tiết, khí hậu; xung đột tại một số quốc gia làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, ngành lâm nghiệp Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao để tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ vậy, lĩnh vực lâm nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong năm 2023, trên lĩnh vực trồng rừng, Nghệ An đã trồng được khoảng 22.768 ha đạt 123,1% kế hoạch, bảo vệ tốt 962.230 ha diện tích rừng hiện có.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,33%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt trên 133 tỷ đồng. Trong năm toàn tỉnh đã tạo được hơn 38,2 triệu cây giống các loại, đạt 116,0% kế hoạch, khai thác rừng trồng tập trung 1,7 triệu m3, đạt 113% kế hoạch.

bna_van truong 5.JPG
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác lâm nghiệp năm 2023 tại Hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, 10.410 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ, 3 nhà máy viên nén sinh khối. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 270,25 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,67%.

Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 24.826,39 ha. Có 183.682 ha/265.771 ha rừng và đất lâm nghiệp đã được giao đạt 69,11 % so với diện tích được duyệt theo Đề án.

Tình hình an ninh rừng cơ bản được giữ ổn định, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng chặt phá rừng để sản xuất nông lâm nghiệp phát triển kinh tế tại một số huyện như: Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ... Các vụ việc đã được phát hiện sớm và tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 476 vụ vi phạm lâm luật, giảm 172 vụ.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với tổng diện tích rừng bị thiệt hại 14,3252 ha. Lực lượng điều động 2.746 người tham gia chữa cháy, nòng cốt là lực lượng tại chỗ gồm: chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền địa phương, dân quân tự vệ, công an, quân đội…

bna_van truong mmm.JPG
Các đại biểu tham gia Hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025, bước đầu Nghệ An đạt được những kết quả quan trọng.

Toàn tỉnh trồng rừng tập trung 62.725 ha rừng, đạt 114% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng 4.912.118 m3 đạt 106% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 7,86%. Diện tích rừng trồng gỗ lớn đến nay ước đạt hơn 32.000 ha, chiếm 20% rừng trồng của cả tỉnh; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 24.826,39 ha, đạt 50% mục tiêu của Chỉ thị.

Tại Hội nghị, đại biểu các huyện đã có các ý kiến kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn đang tồn tại trong công tác trồng rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, cây giống trồng rừng, đầu ra cho keo nguyên liệu...

bna_van truong mmm2.JPG
Sản xuất chế biến lâm sản tại Xí nghiệp chế biến Nông Lâm sản Sông Hiếu. Ảnh: Văn Trường

Bước sang năm 2024, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền xã hội hóa nghề rừng nhằm bảo vệ ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tích cực trồng rừng, quản lý tốt nguồn giống cây lâm nghiệp, khai thác rừng trồng hợp lý, gắn với công nghệ chế biến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm rừng trồng.

Triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách lâm nghiệp, cải thiện việc làm nâng cao đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lĩnh vực lâm nghiệp được giao.

Tiếp tục tăng cường phương án bảo vệ rừng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Đệ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, đó là, còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích người dân hưởng ứng việc chuyển đổi từ rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Công nghệ gieo ươm cây con vẫn chủ yếu là thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lâm nghiệp chậm được đầu tư nâng cấp.

Tiến độ thực hiện công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhìn chung vẫn còn chậm. Công tác phòng chống chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái phép chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn còn tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép.

Để khắc phục những tồn tại nói trên, đồng chí Nguyễn Văn Đệ đề nghị ngành lâm nghiệp cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy tại các địa phương và chủ rừng. Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm và các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để rừng bị khai thác, chặt phá, cháy rừng trên địa bàn.

bna-trong-rung-tt3-thanh-cuong-9098.jpeg
Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh minh hoạ: tư liệu BNA

Đẩy mạnh công tác phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản. Sớm hoàn thành kế hoạch giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Tăng cường thu hút, đầu tư chế biến; tập trung hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng kỳ hạn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính phân khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 809/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ cho chủ rừng theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Tin mới