"Vá lỗi" quản lý đầu tư dự án hạ tầng

(Baonghean) - Thực trạng quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trong lĩnh vực đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở trên cả nước cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2014, chỉ với 50 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy điện, thủy lợi, đã có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, đã có tới 2.078 tỷ đồng bị kiến nghị xử lý tài chính.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư  

Theo chuyên gia kinh tế Đào Quang Đô, trong giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt dự án, việc đánh giá sự cần thiết đầu tư để đưa ra quy mô đầu tư, việc phân tích số liệu còn mang tính chất chung chung chưa thực sự sát với thực tế, công tác dự báo số liệu chưa xem xét đến việc hình thành các dự án khác trong tương lai dẫn đến đưa ra quy mô đầu tư dự án chưa phù hợp, sau khi dự án đưa vào khai thác thừa công suất hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Việc lập và thẩm định phê duyệt vượt khung tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho dự án quy định; giải pháp thiết kế chưa phù hợp, chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương để đánh giá đầy đủ yêu cầu phát triển và quy hoạch mới dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh dự án. Đặc biệt là một số dự án chiều dài tuyến trùng với dự án khác.
Thi công đường cứu hộ đoạn qua các xã Thái Sơn, Minh Sơn (Đô Lương).	Ảnh: Hoàng Vĩnh
Thi công đường cứu hộ đoạn qua các xã Thái Sơn, Minh Sơn (Đô Lương). Ảnh: Hoàng Vĩnh.
Đối với tổng mức đầu tư, hầu hết các dự án đều điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 2 đến 3 lần với các nguyên nhân như: dự án thực hiện trong thời gian dài, chịu ảnh hưởng của lạm phát, giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật tư thiết bị biến động tăng; chính sách, chế độ tiền lương nhà nước điều chỉnh nhiều lần; thay đổi thiết kế, bổ sung các hạng mục công việc (như tăng khối lượng xử lý nền đất yếu, tăng thêm trạm thu phí, điều chỉnh quy mô các nút giao, hiện đại hóa hệ thống an toàn giao thông, bổ sung thêm thiết bị duy tu, bảo dưỡng...). Bên cạnh đó, còn do hạn chế của công tác khảo sát, thiết kế bước lập dự án, do giải phóng mặt bằng chậm, không kịp bàn giao mặt bằng sạch theo tiến độ dự án dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án; đồng thời giá bồi thường GPMB tăng, cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường GPMB của nhà nước trong quá trình thực hiện thay đổi; do thay đổi quy hoạch dự án; do điều chỉnh, bổ sung thêm khối lượng thiết kế và do tiến độ thi công của dự án kéo dài.
Thanh toán vượt hồ sơ
Đối với công tác quản lý thi công, nghiệm thu thanh toán, vẫn còn tình trạng thanh toán khối lượng vượt so với hồ sơ hoàn công, khối lượng kiểm tra thực tế hiện trường. Việc thanh toán sai đơn giá theo hợp đồng ký kết, thanh toán cho nhà thầu khi thiếu hồ sơ hoàn công theo quy định, thanh toán khối lượng thi công khi thiết kế, dự toán bổ sung chưa được thẩm định, phê duyệt. Một số vật tư đưa vào thi công, nghiệm thu, thanh toán chưa đúng các điều kiện hồ sơ thầu và hợp đồng quy định; thanh toán giá trị bù trượt giá chưa đúng quy định của hợp đồng về chỉ số, nguồn chỉ số, khối lượng chưa phân khai theo quy định hợp đồng; lập và phê duyệt quyết toán hoàn thành chậm so với quy định.
Rõ ràng, với các thực trạng trên, không chỉ năng lực tài chính của DN tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đủ mạnh để tài trợ các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, mà các DNNN, DN cổ phần, các ban quản lý dự án, cơ quan quản lý nhà nước cũng còn nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý sử dụng NSNN đầu tư dự án hạ tầng. Trong khi đó, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào thực hiện dự án là một trong những yếu tố bảo đảm tính khả thi về tài chính cho dự án thực hiện.  
Theo một số DN, lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có đặc thù về yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm. Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước phải theo mục tiêu đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn xây dựng công trình dự án, nhằm tăng tính khả thi về tài chính đối với dự án có hoạt động kinh doanh để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Trên tinh thần đó, việc bổ sung một số quy định mới về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hướng linh hoạt về hạn mức nhưng chặt chẽ hơn về cơ chế quản lý là rất cần thiết. 
Sự vào cuộc cần thiết
Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án có thể bao gồm vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Phần vốn này được sử dụng để thực hiện các hoạt động: góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; thanh toán cho nhà đầu tư… 
Kiểm tra đường ống nước Sông Đà. Ảnh Internet
Kiểm tra đường ống nước Sông Đà. Ảnh Internet.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN trong xây dựng cơ sở hạ tầng, rõ ràng, cần phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp. Theo các chuyên gia quản lý của Ban Nội chính Trung ương, việc đầu tiên là phải quản lý tốt công tác quy hoạch, kế hoạch. Hai là, chủ trương đầu tư phải phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phù hợp với quy hoạch được duyệt. Bảo đảm vốn được bố trí theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn của năm kế hoạch và những năm tiếp theo; quản lý vốn theo phân cấp của Luật NSNN và các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư; chấm dứt tình trạng đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả. Ba là, cơ chế quản lý các dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình phải được thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, phải tăng cường quản lý năng lực hoạt động của các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng; tăng cường cải cách hành chính, chống tiêu cực, phiền hà ở các cơ quan nhà nước liên quan đến quá trình đầu tư. Và cuối cùng, cần thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong đầu tư.    
Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi sự tham gia tích cực, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của chủ đầu tư, nhà thầu và sự tham gia của cả cộng đồng dân cư trong tất cả các khâu, các bước của hoạt động đầu tư.
Hồng Hà

Tin mới