Vành đai xanh ngăn bão

(Baonghean.vn) - Từ năm 1997, Dự án trồng rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An đã trồng được hơn 1.300 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Hòa (Thành phố Vinh), Hưng Nguyên. 

Bức tường xanh

Dọc theo tuyến đê biển trải dài ở huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu, dưới tán cây ngập mặn xum xuê có nhiều đàn ong xây tổ, làm mật... Dưới những bộ rễ chùm là nơi cư ngụ của tôm, cua, cá, nhìn xa hơn là đầm tôm, đầm ngao của bà con cư dân ven biển.

Nhờ sự bao bọc của  rừng xanh, giải đất phía bên trong là những cánh đồng muối trắng xóa thẳng cánh cò bay.

Rùng ngập mặn bảo vệ làng mạc ở Diễn Vạn, Diễn Kim (Diễn Châu). ảnh Châu Lan
Rùng ngập mặn bảo vệ làng mạc ở Diễn Vạn, Diễn Kim (Diễn Châu). Anh Châu Lan.

Kết quả đánh giá của các nhà nghiên cứu Đoàn Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế cho thấy từ năm 1997 đến năm 2003, rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi tại 2 huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu tổng cộng gần 510 ha, che chắn và bảo vệ hiệu quả cho gần 60 km đê biển của 2 huyện này.

Rừng ngập mặn trồng sau 3- 6 năm có nền đáy được nâng cao từ 20-50cm/năm; các đặc điểm lý-hóa của đất thay đổi cơ bản; năng suất lượng rơi của rừng từ 199,32g-585,12g/m2/năm là nguồn thức ăn cho nhiều loài thủy sinh vật. Thành phần các loài động vật, nhất là động vật đáy tăng lên nhanh chóng sau khi rừng được phục hồi. Số lượng cá thể của rừng ngập mặn ở đây rất cao so với nơi khác. Quần xã thực vật ngập mặn tuy mới hồi phục trong vòng ít năm, những đã phát huy vai trò tích cực trong cải tạo môi trường và bảo vệ bờ biển.   

Rừng ngập mặn tạo nên cảnh quan du lịch mới
Rừng ngập mặn tạo nên cảnh quan du lịch mới và tạo thêm thu nhập cho người dân. Anh Kim Oanh.

Từ năm 2009 đến nay, tuyến đê được nâng cấp, cộng với sự che chắn của rừng ngập mặn, bà con vùng biển không còn cảnh phải di dời sơ tán, lo sợ vỡ đê, triều cường, sóng lớn dâng lên phá hủy nhà cửa như trước đây.

Diện tích rừng ngập mặn được trồng mới đã có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên “Bức tường xanh” vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa bão lũ, triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn ở Quỳnh Lưu và Diễn Châu đều không bị sạt lở, góp phần phòng ngừa thảm họa thiên nhiên. Chân đê lại được bồi tụ thêm ngày càng vững chắc hơn, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân nơi thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. 

Rừng ngập mặn được phục hồi, thành phần động vật đáy ở trong rừng lại phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài và nhiều hơn về số lượng ở ngoài rừng. Các loài như ốc dạ, cua, hến... là nguồn hải sản quý cho người dân địa phương.   

Rừng ngập mặn đã bảo vệ cánh đông muối của người dân ven biển Diễn Châu. ảnh Kim Oanh
Rừng ngập mặn đã bảo vệ cánh đông muối của người dân ven biển Diễn Châu. ảnh Kim Oanh

Nhờ nguồn lợi thủy sản gia tăng từ rừng ngập mặn, thu nhập của của người dân trong vùng thụ hưởng Dự án được cải thiện đáng kể, nhất là phụ nữ và trẻ em. Mỗi xã trung bình có đến 70 hộ thường xuyên đánh bắt cá, tôm, cua bằng cách thả đăng, lưới,  thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm/ hộ.

Chương trình này không chỉ tổ chức các hoạt động trồng, bảo vệ rừng ngập mặn mà còn tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác dụng của việc trồng rừng ngập mặn chắn sóng, bảo vệ đê biển, kiến thức phòng ngừa thảm hoạ cho nhiều đối tượng như: Học sinh, giáo viên, cán bộ chủ chốt các xã, đội ngũ tình nguyện viên chữ thập đỏ và đông đảo nhân dân sống ven biển. Bên cạnh đó, là sự hỗ trợ nguồn kinh phí đáng kể cho 7 xã trọng điểm cải tạo, nâng cấp các trang thiết bị cảnh báo, phòng ngừa ứng phó thảm họa như: Nâng cấp hệ thông loa truyền thanh, cung cấp phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xây dựng hệ thống nước sạch, mương thoát nước và sửa cầu, cống...

                                                  Kim Oanh

(Hội chữ thập đỏ tỉnh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới