Vì sao binh sỹ Triều Tiên đào tẩu?

(Baonghean.vn)- Mới đây, một binh sỹ Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc bằng cách bơi qua sông, kẻ đào tẩu thứ hai khỏi quân đội nước này chỉ trong vòng 1 tuần. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho hay binh sỹ này đã trốn chạy bằng cách vượt một đoạn sông chảy xiết của con sông Imjin chảy qua cả hai miền Bắc và Nam bán đảo Triều Tiên, qua Khu phi quân sự Triều Tiên.

Điều kiện trong quân ngũ ở Triều Tiên như thế nào mà binh sỹ phải đào ngũ?

Quy mô quân đội 

Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới, với hơn 1 triệu binh sỹ đang phục vụ trong quân ngũ và trên 6 triệu binh sỹ dự bị. Tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên đều gia nhập quân ngũ. Như vậy có tới hơn 7,7 triệu quân dự bị được huấn luyện trong quân đội.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng với Tướng Ri Pyong Chol (bên phải). Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng với Tướng Ri Pyong Chol (bên phải). Ảnh: Reuters

Thời gian phục vụ 

Phụ nữ phải phục vụ trong quân ngũ trong khoảng 7 năm, còn đàn ông là 10 năm. Những người đỗ đại học thì gia nhập quân ngũ sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đầu quân sẽ giảm tùy vào ngành học trong trường. Các nhà khoa học phục vụ trong quân ngũ chỉ khoảng 3 năm. Thông thường, những ai có bằng đại học sẽ phục vụ 5 năm trong quân ngũ.

Ngân sách quốc phòng của Triều Tiên 

Quân đội Triều Tiên có quy mô bậc nhất thế giới. Với 1,19 triệu quân nhân toàn thời gian và hơn 7,7 triệu quân dự bị  được huấn luyện, Triều Tiên sở hữu 3500 xe tăng chiến đấu, 72 tàu ngầm, 302 trực thăng, 563 máy bay chiến đấu và 21.100 khẩu pháo, tất cả tạo nên một quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Trong khi đó, ngân sách quân đội của Mỹ thuộc vào hàng bậc nhất thế giới. Năm 2013, nước này đã chi 618 tỷ USD/năm cho việc mua vũ khí và dự trữ 8000 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra quân đội Mỹ còn vươn quy mô ra toàn cầu, với 800 cơ sở quân sự nước ngoài ở 70 nước trên thế giới, với hơn 1 triệu binh sỹ đồn trú tại đây. Còn tại Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có 1,25 triệu lính đang hoạt động, còn tại Ấn Độ là 1,1 triệu lính.

Cuộc sống trong quân đội 

Theo một bài viết năm 2015 của một kẻ đào tẩu Triều Tiên đăng tải trên tờ The Guardian (Anh), các binh sỹ Triều Tiên chỉ được cung cấp ít khoai tây trong một ngày, còn các binh sỹ đặc chủng thì được nhận khẩu phần ăn hào phóng hơn.

Kim Yoo Sung, một binh sỹ Triều Tiên, kể lại: “Trong lớp cấp 3 của tôi, có 25 con trai. 5 người vào đại học, còn lại 20 người gia nhập quân ngũ. Các binh sỹ được về nghỉ phép để hồi phục. Hầu hết đều quá yếu, thậm chí không tự bước đi được, cha mẹ họ phải đón họ và chăm cho họ khỏe lại. Khi tình hình sức khỏe cải thiện, họ quay trở lại quân ngũ”.

Những người đào tẩu khỏi quân ngũ thậm chí còn tố cáo việc cưỡng hiếp là phổ biến trong quân đội, với các sĩ quan cấp cao lợi dụng quyền hành để hãm hiếp phụ nữ. Lee So Yeun, một phụ nữ đào tẩu nói với tờ The Korea Herald: “Trong số 120 binh sỹ trong đơn vị chỉ có 20 đàn ông, nhưng tất cả đều là sĩ quan cấp cao. Tôi ở trong biệt đội đầu tiên, nhưng một số lãnh đạo trong biệt đội thứ 2 cưỡng hiếp từng nữ binh sỹ cấp thấp”.

Ngoài ra, lính nhập ngũ được dạy phải tuân theo lời giảng của cố Chủ tịch Kim Jong-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Một kẻ đào tẩu Triều Tiên khác cho biết binh sỹ thường xuyên bị “tảy não” và “gần như không còn chút logic nào”.

Về vấn đề quần áo, một bộ quần áo mùa hè đưa cho mỗi binh sỹ 2 năm một lần. Kẻ đào tẩu Kim Hun cho biết quần áo được may rất xấu, và làm họ bị đau: “Bên trong đôi bốt mùa đông nhồi với cotton và may vá hết sức sơ sài, cho nên sau khi đi được một thời gian, cotton sẽ bị bợt ra và mỗi lần đi sẽ rất đau”.

Lan Hạ

(Theo Newsweek)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới