Vì sao các vùng đồng ở Thanh Chương có chênh lệch giá gặt máy?

Vì sao các vùng đồng ở Thanh Chương có chênh lệch giá gặt máy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện nay, nhiều vùng đồng ở Thanh Chương lúa chín muộn, có những nơi mới chỉ gặt được 20-30% diện tích. Theo phản ánh của người dân, năm nay, nhu cầu gặt máy cao nhưng máy gặt về đồng không nhiều nên khan hiếm cục bộ, giá gặt máy cao hơn các nơi khác từ 50-70.000 đồng/sào.
Hiện xóm Đức Thành mới chỉ thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Ảnh: CSCC
Hiện xóm Đức Thành mới chỉ thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Ảnh: CSCC

Xóm Đức Thành (xã Thanh Đức) vụ xuân này có tổng diện tích là 47ha, đã thu hoạch được 40% diện tích. Hiện nay, trên vùng đồng của xóm đang có 2 máy gặt ở các địa phương khác đến hoạt động với mức giá gặt là 240.000-250.000 đồng/sào. So với mặt bằng chung thì cao hơn các xã vùng dưới từ 50.000 đồng/sào.

Ông Đậu Bá Đức - xóm trưởng xóm Đức Thành cho biết: “Giá gặt hiện các chủ máy đưa ra là 240.000-250.000 đồng/sào. Các máy gặt này do dân tự liên hệ, gọi máy về; giá gặt do giữa dân và chủ máy thoả thuận. So với năm trước thì giá gặt năm nay có cao hơn 10.000-20.000 đồng/sào”.

Công an xã Thanh Đức trực tiếp làm việc với chủ máy gặt sau khi nắm được phản ánh của người dân. Ảnh: CSCC
Công an xã Thanh Đức trực tiếp làm việc với chủ máy gặt sau khi nắm được phản ánh của người dân. Ảnh: CSCC

Cũng theo ông Đức cho biết thì đồng ruộng ở Đức Thành chủ yếu là ruộng bậc thang, hóc chõ nhiều, manh mún nhỏ lẻ. Vùng đồng nào rộng thì 2-3 mẫu lúa, có những vùng, chưa được một mẫu nên máy gặt cũng “kén”, không muốn về đồng. Tuy nhiên, theo ông Đức thì giá gặt máy khoảng 210.000-220.000 đồng/sào thì phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Hữu Vịnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho biết, toàn xã có 200ha lúa vụ xuân. Đặc thù của địa phương là ruộng manh mún, nhỏ lẻ, trũng sâu nên các năm trước, mưa nhiều dân chủ yếu gặt tay và gặt bằng máy tông đơ mang vai chứ máy gặt không thể xuống đồng vì sụt lún. Năm nay, nắng hạn, đồng khô, lúa Thanh Đức chín muộn hơn các nơi khác nên dân có liên hệ được các máy gặt về đồng.

Do đặc thù ruộng ở các xã vùng thượng huyện là hóc chõ, bậc thang, manh mún nên giá máy gặt cao hơn các vùng đồng khác. Ảnh: T.P
Do đặc thù ruộng ở các xã vùng thượng huyện là hóc chõ, bậc thang, manh mún nên giá máy gặt cao hơn các vùng đồng khác. Ảnh: T.P

“Xã cũng đã nắm được thông tin của một số người dân phản ánh về giá máy gặt ở xã cao, cá biệt có nơi thu đến 290.000 đồng/sào. Trước thông tin đó, xã đã cử công an, cán bộ nông nghiệp xuống trực tiếp hiện trường tìm hiểu, xác minh. Qua xác minh thì ruộng người dân lên đến 1,2 sào x 250.000 đồng/sào, chủ máy lấy 290.000 đồng, đó là mức giá đã thoả thuận từ trước. So với các địa phương ở vùng xuôi thì giá máy gặt ở Thanh Đức có cao hơn 50.000 - 70.000 đồng/sào.

Thứ nhất, mức giá này là do dân đã thoả thuận với các chủ máy; thứ 2, do đặc thù ruộng Thanh Đức nhỏ lẻ, manh mún, bậc thang lên xuống khó, năng suất gặt giảm, hao dầu nên giá máy cao hơn; thứ ba, diện tích gặt máy ở Thanh Đức không nhiều nên máy gặt về ít, tâm lý người dân sợ mưa, sợ máy không gặt nên chấp nhận mức giá cao để gặt cho xong ruộng”.

Người dân chờ máy gặt. Ảnh: T.P
Người dân chờ máy gặt. Ảnh: T.P

Ông Vĩnh cũng thừa nhận rằng, việc quản lý máy gặt ở địa phương chưa thực sự chặt chẽ, chủ yếu là dân tự liên hệ, thoả thuận, xã chỉ xử lý các trường hợp dân có kiến nghị. “Rút kinh nghiệm mùa vụ sau, xã sẽ thắt chặt quản lý máy gặt. Đó là trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của dân, sẽ kết nối đưa máy gặt về, phân bổ các vùng đồng; mặt khác, các máy gặt khi về địa phương phải thoả thuận được mức giá sàn, niêm yết, công khai giá và chỉ được thu của dân trong mức giá đó”, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho biết.

Hiện nay, các xã vùng cao của huyện Thanh Chương như: Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Mỹ… đang rộ vụ gặt. Giá máy gặt ở các vùng đồng này cũng cao hơn ở các vùng đồng bằng, hiện giá gặt dao động từ 230.000 đồng - 250.000 đồng/sào và xảy ra tình trạng khan hiếm máy cục bộ.

Nhiều nơi người dân phải gặt bằng máy tông đơ cầm tay. Ảnh: T.P
Nhiều nơi người dân phải gặt bằng máy tông đơ cầm tay. Ảnh: T.P

Nguyên nhân là do, ruộng ở các địa phương này chủ yếu hóc chõ, xa xấu, diện tích nhỏ lẻ manh mún nên năng suất gặt giảm, hao dầu, tốn công.

Mặt khác, nhiều hộ dân, do nhu cầu lấy rơm để phục vụ chăn nuôi nên gặt sát gốc, gặt rải hàng nên giá gặt theo hình thức này cũng cao hơn do với gặt nửa thân, rơm vò từ 20.000-30.000 đồng/sào. Tuy nhiên, mức giá gặt theo phản ánh của người dân là chênh lệch quá cao. Theo kiến nghị, giá gặt khoảng 210.000-220.000 đồng/sào sẽ hợp lý hơn.

Theo kiến nghị của người dân, mức giá gặt ở các xã vùng cao dao động từ 210.000-220.000 đồng là hợp lý. Ảnh: T.P
Theo kiến nghị của người dân, mức giá gặt ở các xã vùng cao dao động từ 210.000-220.000 đồng là hợp lý. Ảnh: T.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã nắm tình hình, tăng cường quản lý máy gặt, nhất là mức giá máy gặt phù hợp để đảm bảo nhân dân thu hoạch thuận lợi nhất, tiết kiệm nhất”.

Tin mới