Vì sao dịch vụ logistics Nghệ An chưa phát triển?

(Baonghean.vn) - Dịch vụ logistics (bao gồm chuỗi cung ứng dịch vụ, hậu cần, kho vận...) được coi là xương sống của nền kinh tế nhưng ở Nghệ An, ngành này chưa thực sự phát huy hiệu quả...
Hạn chế về cảng, phí vận tải
Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây; có Cảng hàng không quốc tế Vinh, có bờ biển dài 82 km với hệ thống cảng biển gồm: Cảng Cửa Lò, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng biển chuyên dùng The Vissai, cảng xăng dầu DKC, cảng Đông Hồi,... các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, 15 lối mở qua lại biên giới cùng hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại dịch vụ cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển dịch vụ logistics, trong kết nối giữa các loại hình dịch vụ vận tải...
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn vốn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa nhiều, mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logsitcis chưa chặt chẽ, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, năng lực quản lý hạn chế, chưa được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Xếp dỡ Container tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An
Xếp dỡ Container tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An
Có thể nói, hội nhập nền kinh tế toàn cầu cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã khiến cho các dịch vụ, phương thức vận chuyển, phân phối trở nên ngày càng sôi động, linh hoạt hơn. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực logistics của tỉnh Nghệ An nói riêng, nhưng cũng sẽ đem đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước sức ép đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết hoạt động xuất, nhập khẩu do Sở Công Thương tổ chức, ông Mai Đình Quý – Trưởng phòng Xuất nhập nhẩu, Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam cho biết, Công ty gặp khó khăn trong hoạt động vận tải, tìm kiếm dịch vụ loigistics. Ở Nghệ An hiện nay có một số doanh nghiệp vận tải và logistics, tuy nhiên chi phí thường cao hơn so với các đơn vị vận tải và logistics quốc tế. Công ty thường phải thuê xe tải để vận chuyển hàng từ Nghệ An ra Hà Nội. Nếu thuê đơn vị vận tải ở Hà Nội thì chi phí tầm khoảng 3 triệu đồng đã bao gồm tất cả thuế phí, tuy nhiên khi hỏi ở Nghệ An thì chi phí này từ 4-5 triệu đồng cho 1 chuyến xe. Cùng 1 phương tiện và phương thức vận tải, chi phí ở Nghệ An cao hơn 50-70% chi phí thuê ở Hà Nội. 
Hàng container bốc xếp tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Hàng container bốc xếp tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Lãnh đạo cảng Nghệ Tĩnh cũng cho hay, thời gian qua, tàu cá của ngư dân thường xuyên chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò làm nơi neo đậu, gây cản trở đến việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến cảng. Vùng nước trước bến thường xuyên bị bồi lắng gây tốn kém chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm. Luồng tàu ra vào cảng Cửa Lò sau thời gian nâng cấp xuống (- 7,2m) nhưng hiện nay đã bị bồi lắng chỉ còn - 5,7m hạn chế các tàu có trọng tải từ 10.000 DWT đến 25.000 DWT giảm tải ra vào. 

Ngoài những khó khăn trên, hiện nay, cảng Quốc tế Nghi Sơn đang có nhiều hình thức khuyến mãi, giảm đến 40% giá mặt bằng để thu hút hàng hóa từ miền Tây Nghệ An khiến cho việc cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, hàng hóa thông qua Cảng Nghệ Tĩnh lại nhiều chủng loại gồm: hàng container, hàng rời, hàng bao, hàng lỏng, hàng thiết bị…; lượng hàng phân tán nhỏ lẻ nên việc đầu tư các phương tiện, thiết bị phục vụ khai thác gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vận tải bất cập khiến chi phí vận chuyển đội lên, doanh nghiệp sản xuất khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thu Huyền
Vận tải bất cập khiến chi phí vận chuyển đội lên, doanh nghiệp sản xuất khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thu Huyền
Cần có giải pháp đồng bộ
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa Nghệ An với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước trong khu vực và thế giới, cần giải pháp mạnh, đồng bộ.
Còn nhớ, tại hội thảo khoa học về phát triển thương mại dịch vụ Nghệ An, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề xuất giải pháp tăng cường phối hợp thu hút đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển đồng bộ, bền vững. Tập trung xây dựng mở rộng, nâng cấp cảng biển Cửa Lò đủ tầm cỡ đối với khu vực để đón tàu lớn, có thể khai thác các tuyến đường xa đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics của địa phương và khu vực trong thời gian tới. 

Nghệ An cần phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình nghiên cứu lập 01 Trung tâm Logistics hạng II theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kết nối các cảng cạn, cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

chú thích
Cảng Cửa Lò cần được mở rộng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics của địa phương và khu vực trong thời gian tới. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay, các bộ, ngành Trung ương cũng như tỉnh Nghệ An đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc Nam qua Nghệ An, đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, các tuyến đường kết nối các vùng kinh tế và trong nội vùng Bắc Trung Bộ để nâng cao tốc độ và lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung với các vùng khác của đất nước. Ngoài ra, Bộ GTVT, tỉnh cũng có kế hoạch nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh tăng lượng vận chuyển hàng hóa, mở rộng dịch vụ logistics hàng không nhằm phát triển dịch vụ logistics đa dạng, phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay.

“Thị trường chính của Cảng Nghệ Tĩnh hiện nay tập trung chính ở khu vực Bắc Trung Bộ, chủ yếu Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Thanh Hóa và nước bạn Lào với các mặt hàng chính: container, đá trắng các loại, than, phân bón, dăm gỗ, thiết bị… Chúng tôi đang làm việc với khách hàng để thu hút lượng hàng hóa Nghệ An, Hà Tĩnh; phối hợp với các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường bộ để thu hút hàng từ thị trường Lào và Đông Bắc Thái Lan xuất khẩu quá cảng qua cảng Cửa Lò các mặt hàng quặng, thạch cao, phân bón và một số mặt hàng khác.
Tàu cá ngư dân neo đậu tại cảng Cửa Lò vi phạm an toàn hàng hải. Ảnh: Thu Huyền
Tàu cá ngư dân neo đậu tại cảng Cửa Lò vi phạm an toàn hàng hải. Ảnh: Thu Huyền
Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua cảng Cửa Lò, UBND tỉnh, thị xã Cửa Lò cần sớm hoàn thành bến cá và chuyển toàn bộ tàu cá đang neo đậu trong cảng Cửa Lò ra khu vực mới để đảm bảo thuận lợi cho việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến cảng. Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam sớm thực hiện giai đoạn 2 nâng cấp luồng và vũng quay tàu vào cảng Cửa Lò cho tàu 30.000 DWT ra vào” - Giám đốc cảng Cửa Lò mong muốn.
Nhằm phát triển dịch vụ logistics, giải bài toán tối ưu tài nguyên, kết nối cung cầu, tỉnh cũng cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội, doanh nghiệp chủ hàng tại Nghệ An với các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như phát triển sàn giao dịch logistics để tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa và khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đã có.
Ngoài ra, có giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin mới