Vì sao nhiều trường học không mặn mà tổ chức bữa ăn bán trú?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được nêu ra sau khi đoàn giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đi kiểm tra việc thực hiện bếp ăn bán trú tại các nhà trường.

Còn nhiều tồn tại ở các bếp ăn tập thể

Đoàn giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý tại các huyện, thị xã và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An năm 2023 bắt đầu được tổ chức vào cuối tháng 9, do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện.

Trong đó, ngoài giám sát các bếp ăn tập thể ở các cơ sở kinh doanh, đoàn sẽ giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các nhà trường. Trong đó, chú trọng các nội dung như hồ sơ, thủ tục liên quan và các điều kiện thực tế các bếp ăn tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của các huyện, thị xã, thành phố; lấy mẫu nước uống dùng cho học sinh tại các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú. Trong quá trình giám sát kết hợp hướng dẫn kiến thức, quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Qua gần 1 tháng triển khai, theo báo cáo bước đầu, một số bếp ăn tập thể ở các nhà trường vẫn còn một số lỗi vi phạm.

bna_Đoàn giám sát của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra bếp ăn tập thể tại các nhà trường.jpg
Đoàn giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại các nhà trường. Ảnh: P.V

Như ở huyện Nghi Lộc, giám sát tại bếp ăn tập thể ở Trường Tiểu học Nghi Quang cho thấy, cơ sở chưa xuất trình được Sổ lưu mẫu thức ăn, Sổ kiểm thực 3 bước thực hiện chưa đầy đủ; tường, sàn nhà khu vực sơ chế, chế biến chưa đảm bảo, còn bị ứ đọng nước; thiếu giá kệ để kê thực phẩm.

Tại huyện Quế Phong, giám sát tại Trường Mầm non Tri Lễ phát hiện cơ sở chưa trang bị thùng rác có nắp đậy kín, trang phục bảo hộ lao động chưa đầy đủ và thực hiện lưu mẫu thực phẩm chưa đảm bảo theo quy định về số lượng mẫu lưu.

Ở Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu (Diễn Châu) vẫn còn tình trạng kho bảo quản thực phẩm sắp xếp chưa đảm bảo, thực hiện lưu mẫu thức ăn chưa đúng theo quy định.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên), chủ cơ sở chưa được xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước chưa đúng quy định.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nga My - Tương dương.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nga My (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến việc giám sát các bếp ăn tập thể tại các nhà trường, ông Phạm Văn Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nói thêm: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các nhà trường thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát, chúng tôi thấy vẫn đang còn những tồn tại, bất cập do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, một số trường chưa thực hiện đúng quy trình của bếp ăn tập thể. Tất cả các lỗi vi phạm, chúng tôi đã nhắc nhở và đề nghị các huyện cần phải chấn chỉnh việc tổ chức bếp ăn bán trú, đảm bảo các quy trình, quy định về an toàn thực phẩm, nhằm tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Khó nhân rộng mô hình bán trú

Trên toàn tỉnh Nghệ An, đang có hàng trăm trường tổ chức bán trú cho học sinh ở các nhà trường, trong đó “phủ kín” ở bậc mầm non; bậc THCS và THPT tổ chức ở các trường Phổ thông Dân tộc bán trú hoặc Phổ thông Dân tộc nội trú. Riêng ở bậc tiểu học, mô hình này chỉ mới thực hiện được ở những vùng thuận lợi như thành phố Vinh, Đô Lương, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò. Còn lại ở các địa phương khác, do nhiều lý do khác nhau, nhiều trường học chưa mặn mà.

Hưng Nguyên là địa phương nằm giáp với thành phố Vinh và được đánh giá là có nhiều thuận lợi nếu triển khai bán trú. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, đóng tại thị trấn là duy trì được mô hình này.

Kiểm tra việc tổ chức bán trú tại Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn - Kỳ Sơn.jpg
Kiểm tra việc tổ chức bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, để phát huy hiệu quả của mô hình trường bán trú, Trường Tiểu học Hưng Đạo và một số trường trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cũng mong muốn triển khai và lên kế hoạch thực hiện. Nhưng sau một thời gian do gián đoạn của dịch Covid-19 và phần nữa vì điều kiện triển khai khó khăn nên đến nay việc nhân rộng mô hình bán trú vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nói về điều này, bà Cao Thị Mai - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên cho biết: Việc tổ chức bán trú tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học, nhất là dạy học 2 buổi/ngày với bậc tiểu học, giúp phụ huynh yên tâm, hạn chế việc phải đưa, đón hàng ngày. Trong khi đó, học sinh được ăn, ngủ điều độ, có nhà trường giám sát nên lịch sinh hoạt, lịch học tập được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn, số trường đủ điều kiện để tổ chức bán trú rất ít vì thiếu giáo viên, thiếu nhân viên. Nhiều trường như Tiểu học Hưng Yên Bắc, Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, Tiểu học Hưng Nghĩa, Tiểu học Hưng Lĩnh… diện tích rất nhỏ, không có đất để xây nhà bếp. Quan trọng hơn cả là vật lực để tổ chức bán trú không có và phải trông chờ vào xã hội hóa, huy động từ phụ huynh và điều này thì rất khó khăn.

Các trường tiểu học ở Nam Đàn đang liên kết với các nhà hàng để cung ứng bữa ăn bán trú cho học sinh.JPG
Các trường tiểu học ở huyện Nam Đàn đang liên kết với các nhà hàng để cung ứng bữa ăn bán trú cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Huyện Nam Đàn, dù đã vận động các nhà trường, nhưng đến nay mới chỉ có 4 trường tiểu học trên địa bàn tổ chức bán trú. Tại Trường Tiểu học Nam Giang, trường mới được đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng khu nhà ăn, khu nhà nghỉ với 10 phòng cho học sinh, nhưng trong năm học này dù là năm đầu đầu triển khai nhưng cũng chỉ có 228/698 học sinh tham gia. Hơn thế, dù tổ chức bán trú nhưng trường chưa có nhà bếp mà đang liên kết với một nhà hàng trên địa bàn để cung ứng các bữa ăn cho học sinh, với mỗi suất ăn là 20.000 đồng. Đây cũng là hình thức tương tự đang thực hiện ở 3 trường khác trên địa bàn.

Nếu tổ chức nấu ăn chúng tôi phải có vật dụng, phải thuê thêm đầu bếp. Nhưng với mức lương chi trả như hiện nay chỉ vài triệu đồng/tháng và mỗi năm chỉ làm 9 tháng thì rất khó thuê lao động. Hơn nữa, nếu triển khai bán trú đại trà trường lại thiếu giáo viên trực trưa vì đội ngũ giáo viên của trường hiện nay đang thiếu rất nhiều…

thầy giáo Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng trường Trường Tiểu học Nam Giang (Nam Đàn)

Bếp ăn tập thể ở Trường Tiểu học Nga My - Tương dương.jpg
Nhiều bếp ăn bán trú ở các huyện miền núi cao điều kiện triển khai bán trú còn gặp khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Ngay như tại huyện Nghi Lộc, dù có đến 30/30 trường tiểu học đã triển khai bán trú thì ông Nguyễn Đình Trung - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận: Sau sự việc ở Trường Tiểu học Nghi Thái chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra để đi kiểm tra bếp ăn tập thể ở các nhà trường. Tuy vậy, một thực tế đó là nhiều trường điều kiện tổ chức bán trú chưa đảm bảo như chưa có phòng ăn riêng, chưa có bếp 1 chiều và quy trình thực hiện chưa đúng.

Việc triển khai bán trú tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong tổ chức dạy và học, nhất là với chương trình học 2 buổi/ngày. Để khuyến khích các nhà trường trong quá trình thực hiện, cần có sự đốc thúc, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh.

Tin mới