Vựa cam Quỳ Hợp giờ trồng bạt ngàn mía, ngô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Một thời vùng cam huyện Quỳ Hợp từng được mệnh danh là thủ phủ của cam Vinh xứ Nghệ, là niềm tự hào của người dân địa phương. Nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ cây cam. Tuy nhiên, những năm qua, cam Quỳ Hợp đã lụi tàn, thay vào đó là bạt ngàn mía, ngô, chè.

Clip: Văn Trường

Về vùng cam Vinh huyện Quỳ Hợp những ngày cuối tháng 9, không còn cảnh những vườn cam trĩu quả, mà thay vào đó là bạt ngàn mía, ngô và các loại cây trồng khác. Đâu đó, lác đác, còn sót lại một số vườn cam không ai chăm sóc, cỏ mọc um tùm, quả chỉ nhỉnh hơn quả chanh, ăn có vị chua.

bna_van truong 5.JPG
Vùng cam xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) nay chỉ còn lác đác một số vườn cam tàn lụi. Ảnh: Văn Trường

Chạy xe dọc theo con đường nhựa quanh co, ra cánh đồng mía, thấy khá nhiều nông dân đang cuốc cỏ, chăm sóc mía. Chị Nguyễn Lân - một hộ dân ở xã Minh Hợp chỉ cho chúng tôi những quả đồi bát úp trước kia là đất trồng cam bạt ngàn, nhưng hiện đã trở thành những đồi trồng cây ngắn ngày như mía, ngô sinh khối.

“Nếu tiếp tục giữ 2 ha vườn cam, chi phí chăm bón mỗi năm cả trăm triệu đồng, không đủ thu hồi vốn, nên chuyển đổi sang trồng mía vừa để cải tạo đất, vừa có thêm thu nhập là đúng hướng. Nhờ đưa vào giống mới và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mía có năng suất cao, đạt trên 85 tấn/ha …”, chị Lân chia sẻ.

bna_van truong 1.JPG
Quả cam ở Quỳ Hợp thoái hoá quả ngày một nhỏ. Ảnh: Văn Trường

Ngoài trồng mía, người dân vùng cam ở xã Minh Hợp còn trồng ngô sinh khối, na, chè và một số cây trồng khác. Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Trước đây, thời kỳ cao điểm đơn vị có gần 900 ha cam các loại và quýt PQ. Do cam ngày càng sâu bệnh, thoái trào nên đơn vị đã từng bước chuyển đổi sang cây trồng khác.

Cụ thể là năm 2021 đơn vị đã chuyển đổi từ cam sang mía, ngô 192 ha, năm 2022 là 350 ha và năm 2023 là 199 ha, tổng diện tích chuyển đổi 712 ha, hiện nay đang còn khoảng 40 ha cam và quýt người dân đang tiếp tục chuyển đổi. Từ năm 2022, đơn vị còn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử nghiệm 4 ha chè cao sản giống PH8. Thời gian 18 tháng sau trồng, giống chè này cho thu hoạch 10 - 12 tấn chè búp/ha/năm.

Một số bà con vùng cam xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) tâm sự: Trong thời điểm khó khăn, cam lụi tàn, nhưng ngô, mía cho năng suất và đầu ra ổn định như vậy là quá tốt.

bna_van truong mnbv.jpeg
Nông dân xã Minh Hợp, cải tạo đất từ cây cam sang trồng cây mía. Ảnh: Phan Giang

Cũng tại địa bàn xã Minh Hợp, Công ty CP Nông nghiệp 3/2, trước đây có trên 750 ha cam, thời điểm từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã chuyển đổi sang trồng được trên 700 ha mía. Nhờ đưa vào giống mới và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mía đạt năng suất khá cao trên 80 tấn/ha.

Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời cao điểm, vùng cam huyện Quỳ Hợp có trên 3.000 ha, do cam thoái hoá, nên diện tích cam đã được chuyển đổi sang trồng mía, ngô, nay chỉ còn khoảng trên 80 ha cam. Diện tích cam còn sót lại này hầu hết kém chất lượng, huyện đang chỉ đạo người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

bna_van truong 4.JPG
Vùng cam Quỳ Hợp còn được chuyển sang trồng ngô sinh khối. Ảnh: Văn Trường

Việc chuyển đổi từ trồng cam sang trồng cây ngắn ngày mục đích là để cải tạo đất, diệt tận gốc các sâu bệnh, khoảng 4-5 năm tới, có thể khôi phục vùng cam.

Tin mới