“Vua cau” đồng luốc

(Baonghean) - Dẫu ngày nay thế hệ nhuộm răng đen ăn trầu chẳng còn nhiều, nhưng trái cau vẫn giữ một vị trí nhất định trong đời sống tinh thần người Việt. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, lá trầu, quả cau là lựa chọn đầu tiên cho phép ứng xử cổ truyền ở Việt Nam. Bởi vậy vào mùa cưới cũng như ngày thường, vườn cau của nhà ông Nguyễn Quang Vinh ở xóm Đồng Luốc, xã Kim Thành, (Yên Thành) ngày nào cũng có thương lái đến thu mua cau, đưa đi tiêu thụ khắp mọi vùng. Vì là người trồng cau nhiều nhất trong vùng, nên người dân ở đây gọi ông Vinh là “vua cau”.

Một buổi sáng trời nắng gắt, chúng tôi tìm đường đến Đồng Luốc. Mở cách cổng sắt, ông Vinh vồn vã mời khách vào nhà. Trước mắt là một vườn cau bạt ngàn, ôm trọn ngôi nhà nhỏ của ông. Cau được trồng theo lối thẳng tắp, cây nào cũng cao vút, mang những buồng cau nặng trĩu. Ông Vinh giới thiệu: Gia đình có 1 ha đất vườn, tôi đầu tư trồng được tổng cộng 1.100 cây, trên diện tích 0,5 ha. Trong số đó, đã có 800 cây trổ buồng. Đây là giống cau liền bẹ, cây nào cũng có quả bán quanh năm. Thương lái từ Yên Thành, Tân Kỳ, Diễn Châu… về đây mua cau chở đi bán khắp nơi.
Nói về nghề trồng cau, ông Vinh thổ lộ: “Tháng 2 năm 1967, anh trai tui cưới vợ. Khi đó nhà gái bắt buộc phải nộp tài buồng cau 50 quả. Thời điểm đó cau rất hiếm, mặc dù người dân trong vùng hầu như nhà nào cũng trồng cau, nhưng vì đã quá mùa cau, tui phải đạp xe đi khắp huyện Yên Thành, xuống Diễn Châu vẫn không tìm ra buồng cau đẹp. Sau đó, có người mách ở xã Quỳnh Thiện (Quỳnh Lưu) có gia đình trồng cau liền vụ, tui tìm đến tận nơi và mua được buồng cau ưng ý. Mua được cau, tui còn đặt mua 30 cây giống để trồng. Mãi đến 3 năm sau, người ta mới bán cây giống cho tui. Từ đó đến nay, tui đầu tư trồng cau hàng hóa, giống cau liền bẹ nên lúc nào cũng có quả để bán.

 Một góc vườn cau của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh

Hỏi về bí quyết trong nghề trồng cau, sau một hồi ngần nghị, ông Vinh nói: Không giấu gì chú, qua hơn 40 năm trồng cau, tui rút ra được một vài kinh nghiệm. Đây là giống cau liền bẹ, nên mỗi lần rớt bẹ là trổ một buồng cau, do vậy trên một cây cau bao giờ cũng có 3 - 4 thế hệ quả. Kinh nghiệm cho thấy, vào mùa cau tháng 10, cau rẻ, giá chỉ bằng 1/15 hiện nay. Do vậy, mình phải biết điều chỉnh để cau lệch mùa. Thời điểm này (trong tháng 7), buồng cau nào trổ là dùng liềm ngoặc ngay. Làm được như thế, một phần tránh được cau thu hoạch vào tháng 10 và phần nữa, tạo điều kiện cho cây cau phát triển, có sức nuôi dưỡng những lứa cau trái vụ.

800 cây cau đang trổ buồng của ông Vinh mỗi năm thu hoạch khoảng 16 tấn quả. Tính giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg, thì cả năm “vua cau” Nguyễn Quang Vinh thu về khoảng 160 triệu đồng. Hiện nay, ông chọn 30 cây cau trồng từ năm 1971 để lấy quả ươm giống, nếu ai cần, ông sẵn sàng cung cấp cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc.

Trồng cau, ngoài thu hoạch quả, nếu người có sức khỏe và có chút khéo tay, còn có thêm thu nhập từ lá của nó. Bẹ cau rơi xuống, đầu tư thêm ít sợi mây, dây thép, sẽ kết thành những chiếc chổi bằng lá cau, quét rất tiện lợi và bền. Ông Vinh nói, vườn cau này mỗi ngày rơi ít nhất 50 cái bẹ, đồng nghĩa với ngần ấy buồng cau trổ hoa, chịu khó làm chổi bán cũng có tiền. Vì sức khỏe yếu, nên toàn bộ lá ông tấp vào gốc cau để tạo thêm độ ẩm cho đất. Phần mo cau, nhiều gia đình trong xóm xin về làm quạt mo, sử dụng những lúc mất điện. Ở vùng miền núi này, điện đóm thất thường, nhà nào cũng chủ động làm mấy cái quạt mo. Thân cau mảnh dẻ, dẻo dai. Bởi vậy, thân cau già nếu sử dụng để làm rui, mè đóng lên mái nhà rất bền, không thua gì tre già…

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Tin mới