Hang Rú Ấm và cây đa Làng Trù: Di tích lịch sử Cách mạng

(Baonghean) Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) và Cây Đa làng Trù (xã Nghĩa Khánh) là 2 địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1945. Ngày 20/8/2012, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Cây đa làng Trù, hang Rú Ấm là di tích lịch sử cách mạng, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của nhân dân huyện Nghĩa Đàn nói chung, nhân dân 2 xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức nói riêng.

Hang Rú Ấm - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn

Từ cuối năm 1929 đến đầu tháng 4/1930, từ khí thế của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở các huyện miền xuôi, tại huyện Nghĩa Đàn, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền và phong trào nông dân diễn ra sôi nổi. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng lên miền Tây Nghệ An. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí Võ Nguyên Hiến và đồng chí Võ Thược lên huyện Nghĩa Đàn để gây dựng cơ sở. Lúc bấy giờ, xã Nghĩa Khánh gồm có 3 làng: làng Vĩnh Lại (xóm Mét), làng Thọ Lộc và làng Cự Lâm (xóm Trù). Nơi đây tập trung các đồn điền cao su, cà phê của thực dân Pháp với hàng ngàn công nhân, phu đồn điền làm việc. Đồng chí Võ Nguyên Hiến và đồng chí Võ Thược đã chọn Nghĩa Khánh (nay thuộc xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn) làm địa điểm xây dựng và phát triển của tổ chức Đảng. Bấy giờ, hang Rú Ấm là nơi có vị trí kín đáo, xung quanh có nhiều đồi núi và cây cối rậm rạp. Đặc biệt, phía sau hang có một hồ nước lớn, là nơi lấy nước sinh hoạt của nhân dân địa phương, phía trước hang có một ngôi đền thờ thổ thần, người dân ở đây lại thường xuyên qua lại thờ cúng, rất thuận lợi cho điều kiện hoạt động bí mật của tổ chức.

Vào trung tuần tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm đã diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ ghép gồm 2 làng Thọ Lộc và Cự Lâm. Ngoài nội dung trên, Hội nghị đã nhất trí lấy hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng dưới mọi hình thức, qua đó phát động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc đi liền với chống phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm kết nạp các đảng viên mới cho Chi bộ. Từ hang Rú Ấm, một số Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An đã được Chi bộ Đảng Cự Lâm, Thọ Lộc bí mật triển khai đến các xã trên toàn huyện Nghĩa Đàn.

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới và thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tháng 1/1931, các đồng chí Phan Đình Lại và Võ Thược đã triệu tập một cuộc họp bí mật tại hang Rú Ấm để tách chi bộ Cự Lâm, Thọ Lộc thành 2 chi bộ, đánh dấu bước phát triển mới cho lịch sử đấu tranh của toàn huyện, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành một số chi bộ khác trên địa bàn huyện như: Yên Hòa, Tri Chỉ, Sen, Sẻ,.. và sự thành lập Huyện ủy Lâm thời huyện Nghĩa Đàn vào tháng 2/ 1931 sau đó.

Vào ngày 1/5/1939, nhân ngày Quốc tế Lao động, tại hang Rú Ấm, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã tổ chức cuộc mít-tinh biểu dương khí thế cách mạng của nông dân và giai cấp công nhân vùng Phủ Quỳ. Cuộc mít tinh này đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các vùng lân cận như Thọ Lộc, Cự Lâm, Sen, Sẻ... tham gia với biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm... đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo hòa bình.

Cây Đa làng Trù - nơi nhân dân Nghĩa Đàn đứng lên giành chính quyền

Ngày 19/5/1945, Ban vận động Việt Minh Liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập. Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh đã kêu gọi: “Toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để diệt trừ phát xít Nhật, kẻ thù số một lúc này của nước ta và phá tan mưu mô khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp…”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, trung tuần tháng 6/1945, tại xóm Bàu xã Nghĩa Khánh, Mặt trận Việt Minh huyện Nghĩa Đàn thành lập, sau đó ra quyết định: Phát động quần chúng nhân dân đứng lên kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

                                         Cây đa Làng Trù.                     Ảnh: Mạnh Hà

Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh đã về tới huyện Nghĩa Đàn, mặt trận đã cho tổ chức ngay một hội nghị để phổ biến lệnh khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện. Sáng 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ của các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng... và đông đảo lực lượng công nhân trong các đồn điền cao su, cà phê vùng Phủ Quỳ mang theo các loại vũ khí thô sơ như súng kíp, gậy gộc, cuốc, thuổng, giáo mác... tập trung tại cây đa Làng Trù (Vĩnh Lại) giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ tổ chức biểu tình thị uy, kéo về trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đó, ngày 22/8 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn, cây Đa làng Trù trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn.

Để góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, tri ân những người có công, từ năm 2008, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức đã lấy ngày 22/8 làm ngày truyền thống của xã. Lễ hội “Cây đa Làng Trù và hang Rú Ấm” hàng năm có sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân các dân tộc xã Nghĩa Khánh và các vùng lân cận với không khí tưng bừng náo nhiệt. Tại lễ hội này, với lòng thành kính, Đảng bộ và nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực như: mít tinh, dâng hoa, dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ xã, cây Đa làng Trù và hang Rú Ấm. Bên cạnh các hoạt động văn hóa tâm linh, nhân dân còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí như thi cắm trại, văn nghệ, thể thao…

Thanh Thủy

Tin mới