Gia đình cô dâu Việt bị sát hại đã sang Hàn Quốc lo tang lễ

Sáng nay, gia đình của cô dâu đã sang đến Hàn Quốc và tiếp tục đi máy bay đến Jeju để tiến hành các thủ tục tang lễ.
Dư luận đang rất quan tâm đến việc chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, một phụ nữ Việt Nam 22 bị một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc sát hại vào ngày 30/11 tại một khách sạn trên đảo Jeju. Trước khi sự việc xảy ra, chị Ngân đã từng kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc nhưng sau đó đã ly hôn.
Liên quan đến sự việc này, VOV.VN đã kết nối với ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc để biết thêm tình hình.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc quan tâm đến sự việc này như thế nào?
Ông Trần Hải Linh: Ngay có sự việc này xảy ra, chúng tôi đã nhận được thông tin từ bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Bởi thông thường khi có sự việc diễn ra liên quan đến người Việt Nam thì phía các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ báo về Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để phối hợp và xử lý các vấn đề tiếp theo.
Hội thông qua các kênh thông tin cũng sẽ liên tục nắm bắt tình hình để phối hợp và xử lý khi cần thiết.
PV: Xin ông cho biết, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn giải quyết vụ việc này như thế nào?
Ông Trần Hải Linh: Hội vẫn thường xuyên trao đổi và phối hợp với Đại sứ quán mỗi khi có trường hợp như thế này xảy ra.
TIN LIÊN QUAN
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc
Theo thông tin Hội được biết thì sáng nay (3/12), đại diện gia đình của cô dâu đã sang đến Hàn Quốc và tiếp tục đi máy bay đến Jeju để tiến hành các thủ tục tang lễ. Jeju là địa bàn cũng ít cộng đồng sinh sống.
Theo như thông lệ hoạt động của Hội thì Hội sẽ trích quỹ hoạt động để gửi đến gia đình để giải quyết tạm thời khó khăn trước mắt, sau đó tùy vào trường hợp cụ thể sẽ phát động quyên góp trong cộng đồng để góp phần hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.
Hội và Đại sứ quán cũng sẽ thường xuyên hỗ trợ và có biện pháp giúp đỡ khi gia đình còn ở tại Hàn Quốc và cho đến khi gia đình đưa hài cốt nạn nhân về Việt Nam.
PV: Đây không phải lần đầu có vụ việc như thế này xảy ra đối với các cô dâu Việt tại Hàn. Ông có cảnh báo gì với những người muốn đổi đời bằng cách lấy chồng nước ngoài cũng như đối với những lao động chui muốn ở lại Hàn bằng mọi giá?
Ông Trần Hải Linh: Đa số cô dâu Việt Nam trước khi sang đây nghĩ rằng ở Hàn Quốc toàn màu hồng. Nhưng thực tế không đơn giản như họ nghĩ. Việc hòa nhập với cuộc sống ở đây rất khó vì khả năng về ngôn ngữ, về phong tục tập quán, vì mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau.
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc những năm gần đây đã “xâm lấn” mạnh mẽ các quốc gia trong khu vực. Những thông tin như thời trang sành điệu, nhà lầu, xe hơi, nền giải trí phát triển, con người được lãng mạn hóa hoặc hình tượng hóa trên phim ảnh. Điều đó làm cho nhiều cô dâu Việt ảo tưởng về giấc mộng đổi đời.
Thực tế lại không hoàn toàn như vậy, bởi nói về vấn đề gia đình thì sinh hoạt gia đình của Hàn Quốc có những đặc trưng cố hữu, khác với các quốc gia khác. Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo của đạo Khổng. Điểm chung của các quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo (trong đó có Việt Nam) là tính gia trưởng của người đàn ông trong gia đình còn nặng nề. Thậm chí trong gia đình người Hàn, nếu các thế hệ cùng chung sống trong một nhà thì mối quan hệ gia đình còn phức tạp hơn gia đình người Việt. Nếu hiểu đặc trưng, ngôn ngữ, văn hóa của gia đình Hàn Quốc thì có thể sinh hoạt gia đình được thuận lợi hơn, và cô dâu Việt cũng dễ dung hòa với cuộc sống nơi xứ người hơn.
Nhưng đáng tiếc thay trong số những trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc thì đa số đều thông qua mai mối, mặt khác kiến thức gia đình, ngôn ngữ và văn hóa về nước sở tại còn rất hạn hẹp.
Tôi chỉ có lời khuyên đến những người muốn đổi đời bằng cách này là hãy tham khảo từ chính những người đã có kinh nghiệm sinh sống tại Hàn Quốc như các phụ nữ di trú lấy chồng Hàn Quốc trước đây, hãy học hỏi những kinh nghiệm từ họ, hãy suy nghĩ thật chín chắn trước khi quyết định, bởi khi ta thiếu thông tin thì sẽ suy nghĩ chưa thật sự chính xác.
Mấy năm gần đây, năm nào chúng tôi cũng nhận được tin có cô dâu bị sát hại, bị bạo hành, người lao động bất hợp pháp thì phải trốn chu trốn lủi, nhiều trường hợp bị đột tử do cảm lạnh thời tiết khi điều kiện sống không phù hợp. Suy cho cùng, mạng sống là điều quan trọng nhất và hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, chứ không nên bất chấp bằng mọi giá phải ở lại.
PV: Thời gian tới hội có giải pháp bảo vệ cộng đồng như thế nào, trong đó có những cô dâu Việt, thưa ông?
Ông Trần Hải Linh: Đối với các cô dâu khi sinh sống tại Hàn Quốc nếu có gặp khó khăn gì thì đầu tiên hãy liên lạc số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp 24/24 cho phụ nữ di cư :1577-1366 hoặc số điện thoại tư vấn pháp luật: 1644-7077.
Hội hiện tại đang có các thành viên đang làm việc và cộng tác tại các bộ phận trên, sẽ có biện pháp trao đổi và giúp đỡ được kịp thời nhất theo đúng pháp luật của nước sở tại.
Ngoài ra, Hội còn có văn phòng được đặt tại Seoul, văn phòng là nơi luôn sẵn sàng trao đổi và hỗ trợ cộng đồng, văn phòng cũng sẽ là điểm “tạm trú” cho cộng đồng trong một số trường hợp thực sự khó khăn.
Hội sẽ làm tất cả mọi cách có thể và tìm ra giải pháp có lợi nhất để bảo vệ cho quyền lợi của cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV

Tin mới