Người trẻ hôm nay - xã hội ngày mai

(Baonghean) - Lao động trẻ là yếu tố cho phép đánh giá, dự đoán xu thế tăng trưởng của một xã hội. Đó là lý do vì sao những nền kinh tế phát triển hiện nay như châu Âu, Nhật Bản... đang đứng trước nguy cơ trì trệ vì có cơ cấu dân số "già cỗi". Việc làm cho thanh niên - đó không chỉ là câu hỏi về khả năng cơ cấu và tái cơ cấu của xã hội, mà còn là câu hỏi về ý thức tự chủ, tự lập của những người trẻ, hay nói cách khác là nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2013, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ đại học ở độ tuổi dưới 30 chiếm khoảng 9,89%, hơn 100.000 người. Riêng ở Nghệ An, mỗi năm có khoảng  19.000 - 20.000 sinh viên đỗ vào các trường ĐH, CĐ trên cả nước, tương đương với chừng đó nhu cầu về việc làm. Thống kê (chưa chính xác), đến đầu năm 2013, số lượng cử nhân thất nghiệp của Nghệ An khoảng 13.000 người, cùng đó, có một lực lượng lao động ở các vùng nông thôn cần việc làm… Ước tính, mỗi năm trên 30.000 người ở Nghệ An có nhu cầu về việc làm. Như vậy có thể thấy, giải quyết việc làm nói chung và giải quyết việc làm cho thanh niên nói riêng là bài toán gần như chưa có lời giải đối với Nghệ An và nền kinh tế toàn quốc. 
Anh Hoàng Cầm (giữa) trong xưởng sửa chữa ô tô. l Chị Anh Thơ pha chế đồ uống cho khách (ảnh nhỏ).
Anh Hoàng Cầm (giữa) trong xưởng sửa chữa ô tô.ế đồ uống cho khác
Khó khăn trong giải quyết việc làm chủ yếu xuất phát từ sự chênh lệch giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, số lượng việc làm không đáp ứng đủ nhu cầu của số lượng người lao động ngày một tăng lên. Vấn đề cũng có thể xuất phát từ chiều ngược lại: xu hướng "phổ cập hóa" giáo dục sau phổ thông phát triển quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Chung quy lại đều dẫn đến tình trạng tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng lên, từ đó nảy sinh nhiều bất cập, vấn nạn trong cơ cấu, bố trí việc làm cho người lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng. Tuy nhiên, liệu bài toán giải quyết việc làm có hoàn toàn là trách nhiệm của xã hội, hay đòi hỏi bản thân người lao động phải tự chủ, năng động vươn lên, đi tìm và "lấp đầy" những "lỗ hổng" trên thị trường lao động? Trên thực tế, nhiều người trẻ đã có ý thức vươn lên, tạo cho mình lối đi riêng thay vì thụ động chờ đợi những cơ hội việc làm tương đối hiếm hoi trong bối cảnh xã hội hiện tại. 
Chị Anh Thơ pha chế đồ uống cho khách
Chị Anh Thơ pha chế đồ uống cho khách
Đến xưởng sửa chữa ôtô "Cabin" của anh Hoàng Cầm ở phường Quán Bàu, Thành phố Vinh, không khỏi khâm phục ý chí lập nghiệp của chàng trai sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân khoa Quản trị kinh doanh năm 2010, sau hơn 1 năm làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực nội thất ôtô và sau đó là lắp đặt máy công nghiệp, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp với suy nghĩ: "Ở nơi đất khách quê người, thành công đến đâu cũng có những thứ mà tiền bạc, địa vị không thể mua được". Vốn đam mê sửa chữa ôtô từ nhỏ, gia đình lại có truyền thống làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, anh quyết định mở xưởng sửa chữa ôtô trên mảnh đất của gia đình đang bỏ hoang, với tất cả những gì anh có là một chút vốn liếng kinh nghiệm về máy móc. Không nản chí, anh quyết định vận động, thuyết phục những người thân trong gia đình, dòng họ cho vay vốn. Ngồi giữa khu nhà xưởng ồn ã tiếng máy, tiếng gõ và mùi sơn, dầu, anh Hoang Cầm nhớ lại những khó khăn của buổi đầu lập nghiệp: "Làm nghề này phải tạo được mối quan hệ, mà với tuổi đời và điều kiện của mình, đó là điều rất khó. Thế nên mình xác định phải lấy chất lượng và giá cả hợp lý để xây dựng thương hiệu. Thời gian đầu xưởng chưa có thợ giỏi thì phải mời thợ ở nơi khác, thậm chí là người làm việc cho các nhà máy duy tu, bảo trì của các hãng xe lớn về làm theo thời điểm. Lúc đó mình chấp nhận trả lương cao để thu hút người giỏi về làm việc cho mình, bản thân cũng theo sát từng công đoạn để học hỏi, trau nghề. Từ những mối quan hệ do người quen giới thiệu, đến nay xưởng đã tìm được chỗ đứng và có lượng khách hàng ổn định". 
Đến nay, xưởng "Cabin" nhận sửa chữa trung bình 60 xe/tháng, lợi nhuận mỗi năm trên 200 triệu đồng. Anh Cầm cho biết đó là mức trung bình trong nghề. Tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình xuất phát từ con số không, thậm chí là từ số âm, đó là cả một thành quả đáng nể và đáng để những người trẻ đang loay hoay trên con đường đi tìm “chỗ đứng” cho bản thân học hỏi. Thời gian tới, anh dự định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực lắp máy, vừa tận dụng những kinh nghiệm tích lũy được trước đó, vừa thỏa mãn đam mê của bản thân. Đầy hào hứng và hy vọng, anh chia sẻ: "Lĩnh vực này ở Nghệ An gần như chưa có ai đứng ra làm một cách bài bản. Sắp tới mình sẽ xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, liên kết với các hãng máy lớn, phục vụ nhu cầu và xu hướng hiện đại hóa". Không thể nói không có rủi ro, thách thức nào trong dự định của chàng trai này, nhưng làm gì có thành công nào dễ dàng? Cũng như anh đã nói khi giải thích về cái tên "Cabin" của xưởng: "Cabin trong tiếng Anh nghĩa là túp lều nhỏ. Lúc khởi đầu mình chỉ mong tự tay xây dựng nên một cái gì đó dù có là nhỏ bé, nhưng có cái bé rồi mới có cái lớn. Cabin cũng là buồng lái, và để tiến lên thì không có cách nào khác ngoài tự thân nắm lấy vô-lăng, thay vì chờ đợi vào ai đó...".
Cũng với quyết tâm theo đuổi đam mê của mình, Nguyễn Sỹ Sơn - sinh năm 1990, tốt nghiệp kỹ sư kinh tế xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội năm 2012, có một hướng đi táo bạo: kinh doanh các dòng chó ngoại. Lý do mà Sơn đưa ra cho quyết định của mình là "Xã hội phát triển biểu hiện qua chất lượng cuộc sống ngày một tăng lên. Người ta không chỉ quan tâm đến những nhu cầu cần và đủ mà đã có điều kiện để thỏa mãn những sở thích, thú vui cá nhân và nuôi động vật cảnh là một trong số đó. Những năm gần đây, số người nuôi chó cảnh ngày một tăng. Mình nghĩ rằng đó là một sở thích lành mạnh và một nhu cầu chính đáng. Có cầu ắt phải có cung, ở các thành phố lớn, kinh doanh chó ngoại đã trở thành một "nghề" bình thường như các nghề khác, vậy thì tại sao lại không thể làm điều đó ở Nghệ An?" 
Xuất phát từ một sở thích thuần túy, với vốn hiểu biết và lòng nhiệt huyết của mình, Sơn đã tạo dựng được "thương hiệu" trong giới "chơi" chó ngoại ở Nghệ An và dần được ngoài tỉnh biết đến. Ý tưởng về một "trại" chó cảnh chuyên nghiệp đang đến rất gần với đích: khởi công từ đầu tháng 11/2014, đến nay đã xây xong phần thô, dự kiến đầu tháng 1/2015 sẽ đi vào hoạt động với diện tích 500m2 và hơn 10 con giống sinh sản thuộc các dòng German Stepherd Dog, Alaska, Husky, Bernese Mountain, Labrador, Rottweiler, Poodle, Pitbull, American Bully, Fox,... Ngoài ra, Sơn cũng tham gia vào các câu lạc bộ tập hợp những người "chơi" chó cảnh tại Nghệ An và Bắc miền Trung với mục đích chia sẻ hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện chó, đồng thời tìm hiểu và nắm bắt thị trường. Nói về "nghề nghiệp" của mình, Sơn tâm sự: "Hướng đi của mình khá mới nên khó tránh khỏi việc nhiều người chưa hiểu. Đã có những lúc mình phân vân, không biết có nên tiếp tục theo đuổi hay chọn một con đường phổ biến hơn. Nhưng mình cho rằng không có sức lao động nào là không đáng tôn trọng. Công việc kinh doanh chó cảnh đem lại cho mình nguồn thu nhập ổn định, tạo dựng được mạng lưới quan hệ rộng rãi mà nếu sau này muốn lấn sân sang các lĩnh vực khác, sẽ hết sức thuận lợi. Cho đến thời điểm này, mình tin vào lựa chọn của bản thân". 
Có thể thấy, tự thân lập nghiệp, tự tạo cho mình một cơ hội, chỗ đứng trong xã hội là một con đường không hề dễ dàng, cần sự năng động, táo bạo và hơn hết là lòng kiên trì, bởi "mở đường" bao giờ cũng khó hơn bước đi trên một lối mòn có sẵn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn bắt buộc phải đi lên từ con số không mà quan trọng là phải có ý thức vươn lên từ điểm mình đang đứng và những gì mình đang có. Nếu thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên và có sở thích, thói quen gặp gỡ bạn bè ở những quán cà phê thì chắc hẳn cái tên "La Berry coffee" không còn xa lạ. Quán cà phê nhỏ xinh theo phong cách lãng mạn này thuộc sở hữu của Thạch Thị Anh Thơ - tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế Nghệ An khoa Quản lý đất đai, năm 2013. Ấn tượng về cô chủ trẻ tuổi sinh năm 1993 là một cô gái nhỏ nhắn, với nụ cười rất gây thiện cảm cho người đối diện. Nhưng có nhìn thấy Thơ đứng ra quản lý, chỉ đạo mọi công việc của quán, từ nhập nguyên liệu, bày trí, pha chế cho đến trò chuyện với khách mới thấy được bản lĩnh và sự năng động, tự chủ của một người trẻ thuộc thế hệ 9x. 
Nói về quán cà phê nhỏ mở từ năm 2013 và đến nay đã có chỗ đứng nhất định trên bản đồ "vui chơi giải trí" của giới trẻ thành Vinh, Thơ khiêm tốn cho biết: "Mở quán cà phê là mơ ước mà mình ấp ủ từ lâu nên mình đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển nó. Thành quả ngày hôm nay có phần rất lớn nhờ vào sự ủng hộ, hết sức tạo điều kiện của bố mẹ và hỗ trợ từ bạn bè. Với những người trẻ như bọn mình, gia đình, bạn bè là điểm tựa vững chãi nhất, cho mình thêm niềm tin vào quyết định của bản thân và động lực để biến nó thành sự thật". Ngoài kinh doanh quán cà phê, Thơ cũng tham gia quản lý, làm việc tại Ảnh viện áo cưới của gia đình. Hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan nhưng lại bổ sung, phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý: nhiều khách hàng của bố mẹ Thơ đã chọn luôn quán cà phê La Berry làm bối cảnh chụp ảnh cưới. Một sự kế thừa và phát triển thêm đầy triển vọng trên nền tảng những gì mà thế hệ đi trước đã tạo dựng nên.
Những người trẻ trên đây là minh chứng cụ thể nhất cho thấy, trong xã hội này luôn có chỗ trống cho những người thực sự có nguyện vọng được lao động và cống hiến cho sự phát triển chung. Còn với thực trạng thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp trong thanh niên đang là một đề tài nóng, bởi nó không chỉ phản ánh một xã hội phát triển không đồng bộ mà còn cảnh báo nguy cơ về sự suy thoái trong ý thức lao động, là môi trường gián tiếp cho tệ nạn xã hội nảy sinh. Vấn đề không nằm ở nền kinh tế suy thoái hay ở cơ chế tuyển dụng ngặt nghèo, mà nằm ở chính ý thức tự thân, tự lập và ở nhận thức của chúng ta về lao động. Chẳng có công việc nào là nhỏ nhặt, cũng chẳng có đồng tiền mồ hôi nước mắt nào là không chân chính - tất cả những ai không sống phụ thuộc, không là gánh nặng của xã hội đều đáng được tôn trọng và tôn vinh. Muốn đi xa thì phải có điểm xuất phát; muốn làm việc lớn thì phải bắt đầu từ việc nhỏ; muốn tiến nhanh thì phải biết kế thừa, phát huy nền tảng sẵn có - đó chính là tư duy mà người trẻ hôm nay phải có để trở thành những công dân có ích cho xã hội ngày mai. 
 Bài, ảnh: Thục Anh

Tin mới