Chúc thọ - Nét đẹp lưu truyền...

(Baonghean) - Suốt năm rong ruổi khắp các nẻo đường để mưu sinh nên niềm vui lớn nhất của những người con xa quê là được cùng gia đình và bạn bè sum vầy trong những ngày Tết. Trong không khí rộn ràng của mùa Xuân, chúng tôi tranh thủ đến những gia đình có người già để mừng tuổi và chúc thọ. Đó là nếp văn hóa có từ lâu đời, đến nay người dân quê tôi vẫn còn lưu giữ…
Bà Trần Thị Thu (xã Tường Sơn - Anh Sơn) năm nay bước sang tuổi 85, theo phong tục ở quê, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho bà. Việc tổ chức mừng thọ đã được trù liệu từ Tết năm trước nên Tết năm nay con cháu ở xa đều thu xếp về quê để tham dự. Những người cháu ở tận Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh cũng mang theo cả gia đình nhỏ về quê. Từ buổi sáng, anh em họ hàng và bà con lối xóm bắt đầu ghé qua chúc mừng bà Thu thượng thọ. Người thân thiết thì mang theo món quà nhỏ cùng lời chúc mừng mạnh khỏe, sống lâu hơn nữa để được thấy con cháu trưởng thành. Gần trưa, mâm cỗ được dọn sẵn, con cháu đưa những món quà ra tặng mẹ, tặng bà; dù ít hay nhiều, giá trị lớn hay nhỏ không quan trọng, điều quan trọng là tấm lòng. Bữa tiệc bắt đầu, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, ai cũng thể hiện nỗi vui mừng khi có một người mẹ, người bà, người thân thiết sống thượng thọ. Những ly rượu nồng đượm nghĩa tình, những tiếng cười vui sướng, những câu thơ, khúc hát vang lên khiến không khí buổi lễ mừng thọ thêm phần vui tươi, phấn khởi. Bà Trần Thị Thu vận bộ quần áo đỏ, nét mặt hiền hậu, luôn cười đáp và cảm ơn mọi người đã đến chúc mừng. Bà chia sẻ: “Hôm nay tôi rất vui, vui vì được các con, các cháu quan tâm, thể hiện niềm yêu thương, kính trọng”. 
Lễ mừng thọ bà Nguyễn Thị Luyến (xã Thanh Lĩnh - Thanh Chương).
Lễ mừng thọ bà Nguyễn Thị Luyến (xã Thanh Lĩnh - Thanh Chương).
Chúng tôi về xã Diễn Xuân (Diễn Châu) dự lễ mừng thọ ông Nguyễn Văn Uy. Ông Uy năm nay cũng bước sang tuổi 85, vợ ông kém ông 5 tuổi. Con cháu vô cùng vui sướng khi được tổ chức mừng song thọ cho bố mẹ, ông bà. Ông bà có 7 người con, gần 20 người cháu cùng sum vầy, đoàn tụ trong ngày vui. Đó chính là niềm hạnh phúc của tuổi già, là động lực để ông bà sống vui, sống khỏe. Ông Uy từng là lính Điện Biên, là cựu giáo chức, lại tích cực hoạt động xã hội nên có rất đông bạn bè và đồng đội đến chúc mừng. Đáng quý hơn, những người bạn cùng sinh hoạt trong Đội Thiếu nhi năm xưa cũng lập thành hội và đến chia vui. Những người bạn vong niên giờ đã tóc bạc, da mồi cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, thời còn bộn bề gian khổ. Rồi mỗi người đọc lên những vần thơ, câu đối để tặng bạn nhân dịp lễ thượng thọ. Những vần thơ giản dị nhưng chất chứa bao ân tình, kết đọng tình nghĩa thủy chung, quyết tâm sống có ích, góp phần xây dựng quê hương...
Từ Diễn Châu, chúng tôi qua Thanh Chương, tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Luyến để chúc mừng nhân dịp bà tròn 90. Tuổi này, ở quê được xem là thượng thượng thọ. Khỏi phải kể đến niềm vui của con cháu và chắt khi trong gia đình có một người đại thọ, các thành viên đều mong chờ đến ngày lễ mừng thọ để thể hiện sự quan tâm và tình cảm của mình. Tuổi 90, bà Luyến vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, bà đến từng mâm để trò chuyện và cảm ơn từng vị khách. Ông Trần Đình Hợi - con trai trưởng của bà Luyến chia sẻ: “Đại gia đình chúng tôi chờ đón ngày này từ mấy năm trước, ai cũng mong bà sống thọ để con cháu được hưởng phúc lộc”.
Những ngày này, ở quê tôi có rất nhiều gia đình làm lễ mừng thọ cho bố mẹ, ông bà. Thông thường, những ai bước sang độ tuổi 70 đều được con cháu tổ chức mừng thọ. Những đợt mừng thọ tiếp theo thường được tổ chức vào dịp 75, 80, 85, 90, 95, 100..., nghĩa những năm tuổi tròn và có số 5 đứng cuối. Lễ mừng thọ thường được tổ chức tại nhà, lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng gia đình nhưng phải đảm bảo sự trang trọng, vui vẻ và ấm cúng. Ngoài các thành viên trong gia đình, khách mời tham dự là những người rất thân thiết, có thể là anh em, họ hàng, làng xóm và bạn bè của con cháu trong nhà. Các cụ già rất vui sướng khi được đón nhận sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của con cháu, khi được thấy cảnh đuề huề, cùng sum vầy và đoàn kết. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự tri ân, báo hiếu và mong muốn bố mẹ, ông bà sống lâu, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho cả đại gia đình. Cũng là dịp để thắt chặt thêm tình nghĩa xóm làng, bè bạn, thể hiện sự gắn bó, sẻ chia của tình cảm cộng đồng. Nét văn hóa truyền thống này đã có từ hàng nghìn đời và nay vẫn được duy trì, gìn giữ, chứng tỏ những nét nhân văn sẽ tồn tại cùng với cuộc sống con người. 
Ở quê tôi, những năm gần đây, chi hội người cao tuổi các thôn xóm còn tổ chức gặp mặt đầu Xuân và mừng thọ cho những người lên lão. Tại buổi gặp mặt, các cụ tranh thủ chuyện trò, thăm hỏi và chúc mừng nhau sức khỏe, tuổi cao. 
Tường Anh

Tin mới