Quan tâm chính sách giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp

(Baonghean) - Hiện nay việc thanh niên rời quê đi làm ăn xa ngày càng nhiều, nên nhiều địa phương thiếu nguồn cán bộ và nhất là nguồn lao động tại chỗ. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Đình Hùng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An về giải pháp hỗ trợ thanh niên yên tâm lập nghiệp tại quê hương.
- Vấn đề nghề nghiệp, việc làm, lập nghiệp cho thanh niên có thể nói là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết đặt ra hiện nay. Đối với thực tế ở tỉnh ta thì như thế nào, thưa đồng chí?
- Hiện nay, ở Nghệ An nói riêng, một số lượng lớn thanh niên là lao động phổ thông, và có cả những thanh niên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học ra trường không tìm được việc làm, phải ly hương lập nghiệp. Mặc dù, việc  đi làm ăn xa chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi. Lượng thanh niên đi làm ăn xa biến động rất lớn theo thời gian và không gian nên chưa thể có một con số cụ thể về thanh niên Nghệ An đi làm ăn xa. Nhưng qua đi cơ sở hàng tháng chúng tôi thấy, có những chi đoàn vào dịp Tết, nghỉ lễ tập hợp được 50 - 60 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), nhưng ra Tết, hết dịp lễ thì chỉ còn 5 - 10 người ở nhà, thậm chí có chi đoàn đã “trắng” ĐVTN. Điều đó cho thấy tỷ lệ ĐVTN đi làm ăn xa hiện nay là rất lớn. 
Đào tạo lao động nghề may cho doanh nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành. Ảnh: P.V
Đào tạo lao động nghề may cho doanh nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành. Ảnh: P.V
-  Có rất nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh muốn ở lại quê hương và phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Tuy nhiên, lại gặp khó khăn trong định hướng, khởi sự lập nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm... Rồi ngay cả khi có cơ hội lập thân, lập nghiệp lại thiếu vốn. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là hiện nay có nhiều thanh niên muốn ở lại lập nghiệp tại địa phương nhưng họ đang thiếu thông tin về nghề nghiệp, thông tin về thị trường, thiếu vốn sản xuất. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ĐVTN không thể tiếp cận được thông tin, không thể tiếp cận vốn, mà thời gian qua cùng với các ngành chức năng khác, tổ chức Đoàn chúng tôi cũng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên lập thân, lập nghiệp một cách tốt nhất. Tỉnh đoàn đã thành lập Quỹ thanh niên lập nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Chính sách để giải ngân cho thanh niên vay vốn, tổng dư nợ gần 600 tỷ đồng với trên 25.000 ĐVTN được vay, hỗ trợ. Toàn tỉnh hiện nay có hàng trăm mô hình thanh niên phát triển kinh tế giỏi cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, nhiều thanh niên đạt Giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế giỏi. Đó là minh chứng cụ thể cho thấy cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên tại địa phương cũng rất lớn và không phải là không thể thực hiện được. Tuy vậy, nhìn nhận khách quan, khả năng đáp ứng của tổ chức Đoàn còn hạn chế  so với nhu cầu của thanh niên...
- Vậy, tình trạng thanh niên đi làm ăn xa ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn - Hội cơ sở? 
- Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tổ chức, chất lượng phong trào ở cơ sở, cũng như việc tham gia thực hiện các phong trào cách mạng của Đoàn, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Từ xu thế ĐVTN đi làm ăn xa nhiều nên hiện nay ở các chi đoàn thôn xóm rất thiếu hụt ĐVTN và thường xuyên biến động đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn. Có những bí thư chi đoàn được bầu hôm nay, ngày mai đã rời quê đi làm ăn. Một số nơi trong một khoảng thời gian nhất định xuất hiện tình trạng “trắng” ĐVTN hoặc “trắng” cán bộ chi đoàn. Có khi có người ở nhà, nhưng lại không có đủ năng lực, tâm huyết  đam mê và khả năng tập hợp thanh niên để làm thủ lĩnh Đoàn cơ sở. 
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An trao bằng khen các tập thể có thành tích trong phong trào TNTN
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng trao bằng khen các tập thể có thành tích trong phong trào TNTN. Ảnh: PV
 
- Để hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên yên tâm và có điều kiện tốt để làm kinh tế, lập nghiệp ngay tại quê hương, thì trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ có những giải pháp như thế nào?
- Hiện nay cũng như thời gian tới BTV Tỉnh đoàn đã đưa ra một số giải pháp để hỗ trợ tối đa cho đoàn viên thanh niên có điều kiện tốt để làm kinh tế, lập nghiệp ngay tại quê hương, cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên thông qua việc tiếp tục thực hiện tốt đề án truyền thông về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên do UBND tỉnh phê duyệt. Mở rộng Quỹ thanh niên lập nghiệp của tỉnh; khuyến khích hướng dẫn các cấp bộ Đoàn thành lập nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp các cấp đễ hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế dễ dàng hơn. Tiếp tục phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách, các ngân hàng thương mại để hỗ trợ thanh niên vay vốn ưu đãi sản xuất rộng rãi, thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ  phát triển thanh niên để tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động cho thanh niên được tốt hơn, rộng rãi hơn. Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành để tổ chức các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, chuyển giao KHKT cho thanh niên... Phối hợp Trung ương Đoàn triển khai các Dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới; Hợp tác xã thanh niên. Cuối cùng, là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Trung ương Đoàn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nghề nghiệp việc làm rộng rãi, thuận lợi hơn cho thanh niên, đặc biệt trong việc ký kết với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để tuyển dụng lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp tại Nghệ An. 
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!
Lê Thanh 

Tin mới