Nghĩa tình mái ấm công đoàn

(Baonghean) - Với ý nghĩa nhân văn cao cả: hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách”...
Niềm vui trong ngôi nhà mới của cô giáo PhạmThị Hợi (phải) (Thanh Mai - Thanh Chương).
Niềm vui trong ngôi nhà mới của cô giáo PhạmThị Hợi (phải) (Thanh Mai - Thanh Chương).
Chồng bị bệnh mất cách đây 3 năm, một nách 3 con với đồng lương giáo viên và 3 sào ruộng khoán, chị Phạm Thị Hợi ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) chẳng bao giờ dám nghĩ có ngày mẹ con chị được ở trong căn nhà khang trang và ấm cúng như bây giờ. Nhờ số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn” cộng thêm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, bà con lối xóm, anh em họ hàng, căn nhà lụp xụp ẩm thấp, chật chội của 4 mẹ con chị đã được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. “Số tiền hỗ trợ từ mái ấm công đoàn tuy không phải là lớn nhưng với tôi lại vô cùng có ý nghĩa. Đó là động lực giúp tôi có thêm nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn của mình” - chị Hợi xúc động nói.
Đó chỉ là 3 trong số 11 mái ấm mà LĐLĐ huyện Thanh Chương đã triển khai hỗ trợ từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn” trong những năm qua. Chị Hoàng Thị Nga, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Bám sát chủ trương của Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện Thanh Chương đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng để tạo sự đồng thuận, đồng lòng đóng góp xây dựng quỹ. Chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm vững hoàn cảnh của đoàn viên để chủ động đề xuất với Liên đoàn Lao động huyện những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó phân loại các đối tượng, tổ chức thẩm định thực tế. Hướng dẫn công đoàn cơ sở giúp đỡ đoàn viên lập hồ sơ đề nghị đối với những trường hợp đủ điều kiện được Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ. Số tiền 30 triệu đồng/nhà không lớn nhưng thật sự có ý nghĩa với những gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ riêng ở vùng đồng bằng mà ở một số huyện miền núi như Tương Dương, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, một số cơ quan, đơn vị như Sở GTVT, Cienco4... phong trào “Mái ấm công đoàn” cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài hỗ trợ bằng tiền, ở nhiều nơi, công đoàn cơ sở còn hỗ trợ thêm bằng hiện vật như gạch, cát, đá, sỏi, hỗ trợ ngày công, cho vay không lấy lãi, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Những việc làm này không chỉ nhân lên niềm tin, hy vọng, động lực vượt qua khó khăn cho các CNVCLĐ nghèo mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đùm bọc, sẻ chia thắm tình đồng chí, đồng nghiệp. Cũng nhờ sự động viên về vật chất và tinh thần đó mà nhiều CNVCLĐ được an cư, lạc nghiệp và tiếp tục yên tâm công tác...
Liên đoàn Lao động huyện Thanh Chương bàn giao nhà ở từ Chương trình “Mái ấm công đoàn” cho cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Trường THCS Thanh Giang (Thanh Chương).
Liên đoàn Lao động huyện Thanh Chương bàn giao nhà ở từ Chương trình “Mái ấm công đoàn” cho cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Trường THCS Thanh Giang (Thanh Chương).
Với mức đóng góp 10 nghìn đồng/đoàn viên công đoàn mỗi năm nhưng “góp gió thành bão”, qua gần 5 năm phát động, Chương trình “Mái ấm công đoàn” tại Nghệ An đã hỗ trợ xây dựng 207 căn nhà, trong đó xây dựng mới 167 căn, sửa 29 căn với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm Chương trình “Mái ấm công đoàn” sửa chữa, xây mới 40 ngôi nhà. Chương trình còn nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức, doanh nghiệp như Viettel Nghệ An, Công ty Xăng dầu Nghệ An... Anh Đinh Văn Minh, Phó ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết: “Nguồn lực hình thành chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” chủ yếu đến từ sự đóng góp xây dựng của CNVCLĐ giống như mỗi người góp một viên gạch để xây dựng nên những mái ấm. Vì vậy, việc hỗ trợ đúng đối tượng, sự quản lý, điều hành chặt chẽ, minh bạch của Ban Quản lý chương trình là yếu tố quan trọng để tạo sự lan tỏa...”.
Khánh Ly

Tin mới