Phát huy hiệu quả chính sách dân số

(Baonghean) - Những năm qua, bên cạnh những chính sách chung, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng và thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giảm mức sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Hạnh Lâm (Thanh Chương) nhiều năm trước là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác dân số, bởi dân đông, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là ở những xóm thuộc vùng sâu, vùng xa, những xóm giáp biên giới. Hơn 3 năm trở lại đây công tác dân số của xã đã có những chuyển biến tích cực: Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 12,1 xuống gần 9%; số gia đình đăng ký không sinh con thứ 3 trở lên hàng năm đạt tỷ lệ cao với trên 96%; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hàng năm đạt trên 80%, trong đó cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 85%. Đặc biệt, nếu như trước kia, hầu như năm nào các xóm cũng có người sinh con thứ 3 nhưng nay thì trung bình 1 năm có từ 3 - 5 xóm được khen thưởng, trong đó có xóm 5A, 5B, xóm Chuyền nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì nhiều năm liên tục dưới 1%.
Chị Nguyễn Thị Thảo chuyên trách dân số của xã cho biết: Sau khi Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND về một số chính sách DS-KHHGĐ được ban hành thì công tác dân số của xã đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó đã làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và các tầng lớp nhân dân... Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52, xã Hạnh Lâm đã có nhiều biện pháp: Hàng năm, thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy đều có đánh giá về ưu điểm, kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực thi nhiệm vụ. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, yếu kém Đảng ủy đề ra các biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt hơn. Nhờ làm tốt công tác đánh giá cán bộ, nhận thức của cán bộ về việc thực hiện KHHGĐ ngày càng cao  và xã chưa có cán bộ vi phạm sinh con thứ 3 trở lên, làm gương cho toàn xã. Bên cạnh đó, ngoài chính sách khen thưởng của tỉnh, huyện thì hàng năm UBND xã trích quỹ khen thưởng cho các xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên 100.000 đồng/xóm, cá nhân cộng tác viên  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 50.000 đồng/người.
Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh ở huyện Thanh Chương.
Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh ở huyện Thanh Chương.
Ông Trần Viết Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Thanh Chương cho biết: Trung bình mỗi năm huyện Thanh Chương có hơn 3.000 trẻ sinh ra. Nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất, được thụ hưởng các chương trình chăm sóc SKSS mẹ và bé, đặc biệt là Chương trình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” nên rất nhiều trẻ sau khi sinh ra được kiểm tra sức khỏe. Thanh Chương cũng là huyện thực hiện khá quyết liệt các chính sách dân số. Tính riêng trong năm 2014 đã có 174 thôn xóm không có người sinh con thứ 3 được tuyên dương với tổng mức khen thưởng gần 140.000.000 đồng. Ngoài ra, có 22 cặp vợ chồng cán bộ, đảng viên bị xử lý vì vi phạm chính sách dân số.
Nghệ An là một trong những tỉnh làm tốt công tác chính sách dân số và là tỉnh đi đầu của cả nước trong việc xây dựng các văn bản liên quan đến chính sách dân số. Trong đó nổi bật nhất là Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Từ nghị quyết của tỉnh, 100% huyện, thành, thị đã ban hành nghị quyết của HĐND huyện và quyết định của UBND huyện cụ thể hóa quy định chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn với nhiều chính sách khuyến khích, động viên nhằm thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đánh giá:  Hiệu quả rõ rệt nhất là qua đó, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền đã nhận rõ hậu quả của sự gia tăng dân số  và đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn trong việc cải thiện đời sống, làm giảm điều kiện vui chơi giải trí và hạn chế phát triển thể lực, trí tuệ của nhân dân...Từ đó, đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với công tác DS-KHHGĐ. Nhờ đó, công tác dân số của tỉnh nhà trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực như mức sinh giảm từ 18,6% (2009) xuống còn 17,65% (2014), tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 21,09% (2019) xuống còn 17,21% (2014)...  Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ phụ nữ bị mắc các bệnh phụ khoa, giảm nạo phá thai;... 
Ngày 10/7/2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 170/2015/NQ – HĐND về quy định một số chính sách Dân số - KHHGĐ. Theo đó, nghị quyết mới giữ nguyên những chính sách đã phát huy hiệu quả của Nghị quyết số 52, bổ sung một số chính sách mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.  Đó là tăng mức khen thưởng với xã, phường, thị trấn 1 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên từ  5 triệu đồng - 20 triệu đồng. Xã, phường, thị trấn từ 5 năm liên tục trở lên không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh thưởng 100 triệu đồng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân cũng được thay đổi: Những người trong độ tuổi sinh đẻ đã có từ 1 - 2 con trở lên tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai triệt sản, ngoài các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của Trung ương, thì mỗi trường hợp triệt sản được bồi dưỡng 5 triệu đồng (đối với nam) và 3 triệu đồng (đối với nữ) (trước đây là 2 triệu đồng). Những người thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và trong 1 năm vận động được 10 cặp vợ chồng (trong phạm vi một khối, xóm, thôn, bản) thực hiện các biện pháp tránh thai (đình sản; đặt vòng) được thưởng 1.000.000 đồng và nếu trên 10 cặp, cứ thêm 5 cặp thì được thưởng thêm 500.000 đồng.
Việc xử lý vi phạm vẫn được thực hiện  theo quy định của pháp luật, theo bản cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ (hình thức cụ thể do UBND tỉnh quy định) và quy ước, hương ước của địa phương, tổ chức đoàn thể ở cơ sở; không được xem xét danh hiệu Gia đình Văn hoá. Tập thể và cá nhân thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì bị hạ loại thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hoá trong năm có vi phạm.
Theo kế hoạch, chính sách mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2016. Sau khi văn bản được phổ biến xuống cơ sở, các địa phương đã hưởng ứng và vào cuộc quyết liệt. Điển hình, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể đã ký cam kết phấn đấu trong 2 năm (2016, 2017) trở thành xã không có người sinh con thứ 3; huyện Tương Dương, Thị xã Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp… phối hợp với Ban Dân vận, các đoàn thể triển khai nghị quyết mới có hiệu quả.
Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới