Để không phải xấu hổ mỗi khi cầm đồng lương

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 26/CT-TTg chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, viên trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Chỉ thị được dư luận đánh giá là đã đánh “đúng và trúng” vào thực trạng đáng lo ngại vốn tồn tại lâu nay - một nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính quốc gia.    

Tình trạng cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả của bộ máy hành chính là thực tế mà lâu nay đã được nói đến khá nhiều với tất cả sự quan tâm, lo ngại. Các biện pháp khắc phục cũng đã đặt ra nhiều, song kết quả xem ra cũng chưa thấm vào đâu. Bởi thực tế, công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả rõ nét, mà nguyên nhân chính được cho là vì năng lực cán bộ, vì lợi ích của cá nhân, lợi ích phe nhóm mà nhiều nơi, nhiều người luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí là phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ.

 

Tình trạng công chức, viên chức năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, tới tháng nhận lương đều đều, thậm chí “bổng lộc” còn cao hơn lương vì nhờ vào việc hạch sách, sách nhiễu khiến người dân và doanh nghiệp phải chi tiền lót tay,  quà cáp mới được việc đã vẽ nên một bộ mặt méo mó, xấu xí của những người đại diện cho bộ máy hành chính. Không biết từ bao giờ, người dân và doanh nghiệp cảm thấy sợ, thấy ớn khi có việc phải tiếp xúc với cơ quan công quyền. Năng lực yếu kém, kỷ luật lao động lỏng lẻo, đi muộn về sớm, chân trong chân ngoài, hạch sách, nhũng nhiễu dân của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức đã thực sự đến mức  báo động. 

Việc điểm mặt chỉ tên một số Bộ, ngành chậm triển khai những chỉ đạo của Thủ tướng mà Tổ công tác do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm thời gian qua cho dư luận thấy được, vì sao hệ thống quản lý hành chính của chúng ta lại hoạt động kém hiệu quả như vậy?

Đó là tình trạng “nhờn luật”. Mặc dù nhiều bộ, ngành, địa phương đã có qui định cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, cấm cán bộ công chức viên chức không la cà quán cà phê trong giờ hành chính, nhưng rồi chỉ được thời gian đầu, sau lại đâu vào đấy. Hàng quán vẫn đông nghẹt thực khách vào buổi trưa, mà ngoài “dân nhậu chuyên nghiệp” thì cũng không ít trong số đó là những cán bộ, công chức, viên chức. Đã nhậu thì phải say mới thôi. Mà đã say là bỏ việc.

Người không nhậu nhẹt thì lại “ăn cắp”  thời giờ hành chính làm việc riêng. Nhiều người cố tỏ ra nghiêm túc, ngồi ở bàn làm việc, ôm máy tính suốt ngày, nhưng là để… chơi game, để bán hàng trên mạng. Hay tình trạng chân trong chân ngoài, mở thêm công ty, cửa hàng, làm thêm cho các dự án… giữ chỗ hưởng lương nhưng lại làm việc cho chỗ khác.  Tình trạng cán bộ công chức viên chức chơi lô đề, đánh bạc, chơi bài ăn tiền sát phạt nhau xảy ra không ít. Những vụ việc phát hiện chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế diễn ra.

 

Không thể cứ im lặng chấp nhận thực trạng này, nhất là trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, mục tiêu của Chính phủ nhiệm kỳ mới là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp. Muốn Chính phủ hoàn thành sứ mệnh cao cả này, thì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, mỗi thành viên, mỗi cán bộ công chức viên chức trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, phải mang tinh thần kiến tạo, phải ý thức cao hơn nữa trách nhiệm phục vụ nhân dân của mình.

Vì vậy, bằng chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn bộ hệ thống hành chính công, mà trọng tâm là đội ngũ công chức, viên chức phải nghiêm túc thực hiện chức trách được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức tác phong, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được đánh bạc dưới mọi hình thức…

Quyết tâm đã có, kỳ vọng cũng nhiều, vấn đề còn lại là tinh thần, ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ công chức, trong đó có vai trò đặc biệt của người đứng đầu các cơ quan, chinh quyền các địa phương. Cần nâng cao kỷ luật , kỷ cương hành chính, tăng cường giám sát, bạch hóa công việc, bạch hóa thông tin với dân, đề cao vai trò giám sát, phản biện của dân đối  với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy hành chính những người yếu năng lực chuyên môn, thoái hóa biến chất, tham nhũng, sách nhiễu dân… làm trong sạch bộ máy, tạo không khí dân chủ, công bằng với những người làm việc thực sự.

Đây cũng là lúc các Bộ ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và Kế hoạch tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ. Dẫu biết rằng sẽ rất khó khăn phức tạp, nhưng đây là việc cần phải làm và làm một cách rốt ráo để bộ máy hành chính thực sự là cơ quan kiến tạo cho sự phát triển của đất nước. Có làm được như vậy thì mỗi cán bộ công chức viên chức mới không phải xấu hổ mỗi khi cầm đồng lương do từ tiền nôp thuế của dân.

   Huệ Anh 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới