Cần bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ theo hướng khai thác du lịch

(Baonghean) Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có khoảng 40 ngôi nhà cổ trên dưới 100 năm, tập trung nhiều ở xã Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Nghi Hoa, Nghi Khánh, Nghi Diên. Những ngôi nhà này đều rất đẹp, mang đặc trưng kiến trúc nhà ở dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện nay những ngôi nhà này đang có xu hướng dần biến mất và biến dạng.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đã tìm về ngôi nhà cổ của gia tộc ông Nguyễn Thức Hiền, xóm 15, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Vẫn vuông sân gạch đỏ, hàng cau trước nhà, ngôi nhà cổ vẫn giữ được y nguyên dáng vẻ trăm năm về trước. Ngôi nhà mang đặc trưng kiến trúc dân gian Nghệ An và được bình bầu là 1 trong 7 ngôi nhà cổ đẹp nhất của tỉnh. Nhà bằng gỗ liền khối, bịt kín bốn phía, chia thành 5 gian. Phía mặt trước là hệ cửa bức bàn, mái hiên được vươn ra khá lớn nhưng không có hàng cột hiên. Phía trong ngôi nhà gỗ, nghệ thuật điêu khắc đạt đến độ tinh xảo, mỗi góc xà, đường hạ được chạm trổ “Long - Ly - Quy - Phượng”, các loại hoa và những bản khắc gỗ dân gian hết sức sinh động.

  Ngôi nhà cổ 5 gian của dòng họ ông Nguyễn Thức Hiền, xóm 15, xã Nghi Trường

Chủ nhà Nguyễn Thức Hiền (cháu chín đời của nhà nho nổi tiếng Nguyễn Thức Tự) niềm nở cho hay: Ngôi nhà được dựng vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước; vốn nguyên là ngôi nhà của một gia đình bên vùng Phúc Thái Thọ được ông nội của ông mua lại, đưa về tái dựng nên, cho nên nếu nói lịch sử của ngôi nhà có từ bao lâu thì không nhớ chính xác. Ngôi nhà cổ trải qua thời gian mưa nắng trăm năm nhưng chưa hư hại nhiều bởi được sự  bảo quản tu sửa của dòng họ, hiện nó được sử dụng làm nhà thờ của dòng đại tôn Nguyễn Thức.

Có thể nói, ngôi nhà cổ này đã là bảo vật của dòng họ, cũng là tài sản đáng quý mang giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Tâm sự về việc gìn giữ cho muôn đời sau, ông Nguyễn Thức Hiền cho biết: Trước đây chừng dăm bảy năm cũng có một vài đoàn đến khảo sát, đo đạc, lập bản vẽ và có hỏi nguyện vọng của gia đình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị ngôi nhà để có hình thức hỗ trợ, nhưng rồi cũng không thấy gì. Hàng năm cũng có rất nhiều đoàn về nghiên cứu, tham quan. Hiện nay, hệ thống ngói của nhà đã bắt đầu mục rữa, kèo và xà cũng mối mọt nhiều. Để sửa chữa thật tốt ngôi nhà, giữ nguyên bản thì cần phải “đúng thầy, đúng thợ” và tốn rất nhiều kinh phí nên dòng họ đang huy động anh em, con cháu đóng góp. Dự kiến đến năm 2015, nhà mới đủ kinh phí để tu bổ.

Cả huyện Nghi Lộc hiện có 40 ngôi nhà cổ, nhưng số nhà vẫn được giữ nguyên nét xưa như nhà của ông Nguyễn Thức Hiền đến nay là không nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này nhưng chung quy nằm ở ý thức giữ gìn của người dân. Ngôi nhà của ông bà Nguyễn Như Quyến – Lương Thị Hướng (nay đã mất) ở xóm 14, xã Nghi Thịnh là một ví dụ. Ngôi nhà này cũng có lịch sử gần trăm năm, gồm 3 gian được xây dựng bằng gạch bản, lợp ngói âm dương. Phía trên đỉnh nhà là đôi rồng tranh châu, mái cong theo kiến trúc đền chùa, hai phía trên đầu nhà xây dựng hai ô đèn tránh gió, che bão, lợp kính. Hiên trước nhà có 4 cột, trên các cột này đều có câu đối chữ nho. Tiếc rằng ngôi nhà hiện nay không còn nguyên xưa.

Bà Nguyễn Thị Quang, con gái ông bà Nguyễn Như Quyến – Lương Thị Hướng cho hay: Ngói, tường và xà nhà hư hỏng nên họ tộc đã tiến hành tu sửa. Do thiếu kinh phí nên không thể bảo tồn, tôn tạo đúng theo kiến trúc, vật liệu cũ. Ngôi nhà chỉ giữ được mặt trước, còn mái ngói thì sử dụng ngói hiện nay, kèo và xà cũng đã khác – theo kiểu giản đơn đỡ tốn kém hơn, tường cũng xây và vôi ve lại… Trước cũng có vài đoàn tìm đến bảo sẽ tìm cách hỗ trợ, nhưng rồi cũng không thấy đâu nên gia đình, chi họ đành huy động được chừng nào làm chừng đó, chứ không lẽ để nhà thờ mục nát mãi được”.

Những ngôi nhà cổ ở huyện Nghi Lộc đang có chiều hướng xuống cấp, biến dạng bởi sự tàn phá của thời gian, sự cơi nới, sửa chữa, phục dựng thiếu khoa học. Đó quả thật là điều đáng tiếc, khiến nhiều người có trách nhiệm phải buồn lòng. Đem thực trạng này trao đổi với các ngành chức năng huyện Nghi Lộc thì được biết: Những ngôi nhà cổ đã được huyện lập hồ sơ hiện trạng từ lâu nhưng không có nguồn kinh phí để hỗ trợ, bảo tồn. Chị Nguyễn Thị An, cán bộ bảo tồn Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện  chia sẻ: “Nguồn ngân sách của huyện, ngành chỉ đủ để tu bổ các di tích đã xếp hạng. Còn đối với nhà cổ của các hộ dân, chúng tôi mới chỉ có thể đến tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đã và đang có hiện tượng một số người săn lùng, tìm mua các ngôi nhà cổ này. Không loại trừ có những ngôi nhà cổ đã được “bốc” ra khỏi địa phương… Thiết nghĩ, tỉnh ta còn là một tỉnh nghèo, nguồn ngân sách chắc hẳn hiện chưa đủ để lo cho việc tu bổ, bảo quản các ngôi nhà này, nên chăng ngành Văn hóa Du lịch nên nghiên cứu việc gắn kết giữa các tour du lịch với các chủ nhà cổ để đa dạng hóa loại hình du lịch ở tỉnh ta, vừa phát huy giá trị ngôi nhà, ngành và chính chủ nhà lại có kinh phí phục vụ việc gìn giữ.

Thành Chung

Tin mới