Văn hóa dòng họ trong xây dựng NTM

(Baonghean) - Mỗi làng quê đất Việt là một đơn vị dân cư, nơi các gia tộc, dòng họ tới cư trú, tổ chức đời sống cộng đồng, tạo nên những sắc thái riêng của mỗi thôn, làng. Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) là một điển hình cho lịch sử truyền thống văn hóa làng quê.
Hiện nay, Quỳnh Đôi có 37 dòng họ (với gần 5 ngàn người) cùng nhau sinh sống, tiêu biểu như các dòng họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, Dương, Phan, Phạm... Các dòng họ đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhiều gia tộc, dòng họ có những hoạt động phong phú, giàu bản sắc, như: biên soạn, bổ sung gia phả, xây dựng và thực hiện tộc ước, xây cất, tu bổ nhà thờ, phần mộ tổ. Các hoạt động họp họ, giỗ tổ với nhiều nội dung: tuyên đọc gia phả, tế lễ tổ tiên, bàn định những công việc của gia tộc, việc đóng góp của các thành viên với gia tộc, với làng xóm vào việc xây dựng các công trình công cộng, vào việc tổ chức lễ hội của làng, xã. 
Lịch sử, truyền thống của các gia tộc, dòng họ đã trở thành những di sản văn hoá quý báu của làng Quỳnh. Nhiều nguồn tài liệu (gia phả, bia ký...), nhất là các công trình kiến trúc của các gia tộc, dòng họ đã là những di tích lịch sử, văn hoá có giá trị lịch sử được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích, đầu tư kinh phí bảo tồn, tu bổ. Hiện nay xã Quỳnh Đôi có 8 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 7 di tích là nơi thờ tự của các dòng họ, gồm nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn, đền thờ Hoàng Khánh, nhà thờ và lăng mộ Hồ Tùng Mậu, đền thờ Hồ Sỹ Dương, nhà thờ họ Dương, nhà thờ Hồ Phi Tích...
Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay, những truyền thống tốt đẹp của các gia tộc, dòng họ ở Quỳnh Đôi tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Ở các cơ sở, các gia tộc, dòng họ đã và đang giữ vai trò quan trọng trong giúp nhau sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện có hiệu quả chức năng hoà giải, tăng cường mối gắn kết trong gia tộc, dòng họ với cộng đồng làng xã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của gia tộc, dòng họ. Nhiều tộc họ đã đăng ký và phấn đấu trở thành dòng họ không có tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, phong trào khuyến học trong các gia tộc, dòng họ ở Quỳnh Đôi đã phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, nhiều dòng họ đăng ký phấn đấu dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như: nhiều dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học lớn để động viên, khen thưởng con cháu hăng say học tập, lập sổ vàng ghi danh những người đạt học vị tiến sỹ, giáo sư, tổ chức học tập, tuyên dương những gương điển hình của dòng họ về hiếu học. Tiêu biểu như họ Hồ xây dựng được 775 triệu đồng quỹ khuyến học, hiện nay dòng họ Hồ vinh dự có 5 giáo sư, 30 tiến sỹ, 25 thạc sỹ; họ Nguyễn có 325 triệu đồng quỹ khuyến học, dòng họ Nguyễn có 7 giáo sư, phó giáo sư, 12 tiến sỹ, 35 thạc sỹ; họ Hoàng có 108 triệu đồng quỹ khuyến học, hiện nay dòng họ có 2 giáo sư; 10 tiến sỹ, 7 thạc sỹ; họ Dương có 178 triệu đồng quỹ khuyến học, toàn họ có có 4 tiến sỹ, 8 thạc sỹ... Hàng năm, vào ngày lễ tổ, các dòng họ tổ chức tuyên dương khen thưởng thành tích học tập của con cháu tại từ đường của họ trước sự chứng kiến của bà con trong họ; các cháu có thành tích được dâng hương và hứa trước tổ tiên tiếp tục phấn đấu tiến bộ trong học tập, công tác...
Chính các hoạt động trên đã làm cho văn hoá của làng Quỳnh thêm phong phú và giàu bản sắc, đồng thời mối gắn kết giữa các gia tộc, dòng họ đã củng cố khối cộng đồng làng xã vừa bền chặt, các hoạt động vì cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo được tổ chức thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Quỳnh Đôi ngày càng giàu đẹp.
Sỹ Thành (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin mới