Xã Nghĩa Bình đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM: Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí

(Baonghean) - ...Năm 2010, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) nhường cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Thị trấn huyện lỵ Nghĩa Đàn mới thành lập; bước vào triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Bình được huyện chọn là 1 trong 5 xã điểm chỉ đạo xây dựng NTM của huyện để về đích vào năm 2015. 
Nhưng thách thức lớn là qua rà soát, xã mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí và phải đáp ứng mục tiêu đặt ra thực hiện 15 tiêu chí còn thiếu trong 3 năm (trong đó có những tiêu chí cứng, cần nguồn lực vốn đầu tư rất lớn)...
Đường nông thôn mới xóm Bình Thành, xã Nghĩa Bình.
Đường nông thôn mới xóm Bình Thành, xã Nghĩa Bình.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Bình đã thể hiện quyết tâm bằng lộ trình thực hiện nghiêm túc và bài bản. Bên cạnh tranh thủ sự hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh và huyện, xã có nhiều cách làm sáng tạo, năng động để khơi dậy nội lực từ nhân dân. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án, Tổ giúp việc chương trình xây dựng NTM xã đã có quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Một trong những giải pháp đầu tiên quan trọng nhất, đó là công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Đảng bộ xã cũng ban hành 3 nghị quyết chuyên đề tập trung chỉ đạo, từng ban ngành cho đến đoàn thể, hội viên đều được phân công đảm nhận các phần việc phù hợp, sát thực; hàng tháng thực hiện giao ban nắm tình hình cụ thể để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ban quản lý chương trình xây dựng NTM xã chọn xóm Bình Thành làm điểm chỉ đạo để vừa rút kinh nghiệm vừa động viên, khích lệ phong trào toàn xã.
Đồng chí Hồ Thị Hạnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: Được sự ủng hộ và tin tưởng của người dân, trên cơ sở cân đối được nguồn, xã đề ra cơ chế khi làm đường giao thông và đường nội đồng, ngoài xi măng đã được Nhà nước cấp, xã hỗ trợ 1 phần tiền cát sỏi, nhưng khi đường làm đến đâu, các hộ gần đó phải tiếp tế nước tưới thi công, cung cấp nước uống, thậm chí liên hoan nhẹ động viên người thi công. Chính nhờ vậy, cùng với việc khơi dậy được sức dân, xã còn tạo không khí đoàn kết, thi đua vui vẻ trong nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ chung. Trên cơ sở thảo luận, bàn bạc dân chủ với dân, tính toán cụ thể để giao cho từng xóm có kế hoạch huy động sức dân theo đầu người trong vòng 3 năm, xã có cơ chế hỗ trợ 30% tiền cát sỏi đường bê tông dân cư; xây dựng mới nhà văn hóa được hỗ trợ 20-30 triệu đồng; xây mỗi cổng làng văn hóa hỗ trợ 5-7 triệu đồng...
Đồng chí Lê Viết Thắng - Bí thư Chi bộ xóm Bình Thành cho biết: Là xóm được xã chọn làm điểm chỉ đạo, quá trình triển khai xây dựng NTM ban đầu một vài hộ dân chưa thông. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực vận động của xóm và sự hỗ trợ kịp thời của xã nên mọi việc được triển khai tốt đẹp, mỗi khẩu ngoài đóng góp 350.000 đồng theo quy định, nhiều hộ còn hiến đất, tự tháo dỡ tường bao để xóm, xã làm đường kịp tiến độ. 
Nhờ các biện pháp chủ động và sáng tạo trên, chỉ trong 3 năm, Nghĩa Bình đã huy động được tổng nguồn lực cho xây dựng NTM gần 143 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động từ sức dân đóng góp, đầu tư 77,78 tỷ đồng, chiếm 54,7%; ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 41,5 tỷ đồng, chiếm 29,2%; ngân sách huyện và xã trên 13 tỷ đồng, chiếm gần 9%; vốn lồng ghép trên 8,67 tỷ đồng, chiếm 6,1%....
Khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Nghĩa Bình.
Khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Nghĩa Bình.
Nguồn lực huy động từ sức dân để làm giao thông thôn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sở dĩ người dân cũng như lãnh đạo xã dành sự quan tâm lớn để đầu tư vào giao thông vì đối với vùng đất đỏ bazan như Nghĩa Bình thì việc cứng hóa bằng bê tông đường có ý nghĩa rất lớn. Với sự quan tâm và được tỉnh hỗ trợ gần 2.500 tấn xi măng, nên mặc dù đây là tiêu chí khó khăn nhất, xã đã bê tông và cứng hóa xong toàn bộ đường giao thông và đường nội đồng theo quy định; 8/8 nhà văn hóa cùng với các thiết chế văn hóa xóm đều được đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn theo yêu cầu… Cùng với quan tâm đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng, xã ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 3 năm, xã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng mới hoàn toàn cơ sở vật chất cho giáo dục hệ mầm non, tiểu học, trạm y tế cho đến sân vận động, nhà văn hóa xã; chất lượng khám chữa bệnh và thành tích trong giáo dục ngày càng được nâng lên.
Mặt khác, để nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, xã có cơ chế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quan tâm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề phụ. Đến nay, xã đã có hàng chục cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làm dịch vụ, ngành nghề thu hút gần 2.000 lao động, chiếm 93% lao động địa phương, thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 13% và thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt gần 21 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 4,46%… 
Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM của Nghĩa Bình, đồng chí Chủ tịch xã Hồ Thị Hạnh chia sẻ: Trong 3 năm xã thực hiện được 15 tiêu chí làm cơ sở để cấp trên công nhận đạt chuẩn NTM là một nỗ lực lớn và thành công ngoài mong đợi của cấp ủy, chính quyền xã. Trong thành công ấy có sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và huyện nhưng công sức và sự ủng hộ của người dân là vô cùng quan trọng. Đạt được các tiêu chí rồi, nhưng sắp tới xã còn nhiều việc phải làm, quyết tâm cao hơn nữa để duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt được. Phát huy những thành quả đã đạt được và tiếp nối truyền thống đoàn kết, dân chủ của quê hương, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Bình sẽ quyết tâm, phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để xây dựng xã trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Nghĩa Đàn.
Nguyễn Hải

Tin mới