Xuất khẩu gỗ gặp khó, nhiều rừng nguyên liệu ở Nghệ An phải dừng khai thác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thị trường xuất khẩu bế tắc, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Nghệ An tồn hàng với khối lượng lớn. Khó khăn về đầu ra, kéo theo rừng nguyên liệu phải dừng khai thác.

bna_van truong 1.jpeg
Một cơ sở chế biến gỗ ở huyện Nghĩa Đàn đang tồn kho với số lượng lớn. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho biết: Nghệ An có 3 loại hình sản xuất, kinh doanh ngành gỗ gồm: Sản xuất viên nén, dăm gỗ, các sản phẩm gỗ. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả 3 sản phẩm trên đều rớt giá, khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là rừng nguyên liệu trên địa bàn Nghệ An cũng phải dừng khai thác do không bán được.

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu gỗ chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh; các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Anh, Trung Quốc đang lạm phát. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia đang thắt chặt chính sách tín dụng, người dân thắt chặt chi tiêu… Điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Do khó khăn về đầu ra nên nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn Nghệ An đang tồn kho rất nhiều sản phẩm. Đại diện Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An PP ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) cho biết, hiện công ty đang tồn kho trên 2.500 tấn dăm gỗ. Mặt hàng dăm gỗ của đơn vị chủ yếu xuất sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc…

bna_van truong 3.jpeg
Tồn kho sản phẩm viên nén ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, các đối tác ở những nước trên dừng thu mua. 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị mới chỉ đạt doanh thu 604.000 USD từ xuất khẩu, giảm 1,4 triệu USD so với cùng kỳ. Trong 6 tháng qua, nhà máy phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Công ty có 70 lao động thì phải cắt giảm đến một nửa...

Cùng tình cảnh trên, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu hiện đang tồn kho trên 3.800 mét khối các loại sản phẩm gỗ, trị giá tiền hàng trên 27 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu là các loại gỗ ghép thanh, phôi gỗ xuất đi các nước châu Âu. Vì vậy, một số nhà máy băm dăm của công ty đang phải tạm dừng thu mua hoặc thu mua số lượng hạn chế. Đại diện đơn vị này cho biết: Xuất khẩu gặp khó, hiện nay, doanh nghiệp đang phải tìm kiếm thị trường mới trong nước nhưng cũng rất khó khăn.

Theo tìm hiểu, tại các doanh nghiệp chuyên về gỗ xuất khẩu như Công ty TNHH - Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam… cũng gặp khó tương tự.

bna_van truong 4.jpeg
Các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn Nghệ An khó khăn khi không xuất bán được sản phẩm. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An hiện có hơn 45 doanh nghiệp chế biến gỗ; hơn 100 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh ước đạt trên 63 triệu USD, giảm 21 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương ở xã Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết thêm: Nhà máy sản xuất gỗ viên nén với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 350 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2021, công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 150.000 tấn/năm.

bna_van truong 2.jpeg
Những cánh rừng keo ở huyện Thanh Chương đến tuổi khai thác nhưng không bán được. Ảnh: Văn Trường.

Từ đầu năm 2023 đến nay, viên nén xuống giá, đầu ra khó khăn. Cụ thể, năm 2022 giá viên nén đạt 180 USD/tấn, nay chỉ đạt 140 USD/tấn, mặt hàng viên nén chủ yếu xuất thị trường Nhật Bản. Do khó khăn đầu ra nên đến thời điểm này, đơn vị đang tồn kho trên 11.000 tấn. Để ứng phó với khó khăn trên, đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới ở thị trường châu Âu.

Qua tìm hiểu được biết, để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời, tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi. Một số ít doanh nghiệp đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm...

Tin mới