Học việc hay thử việc ở Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu?

(Baonghean) - Theo phản ánh, “Cuối năm 2010, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu tiếp nhận 56 sinh viên vào thử việc tại các khoa, phòng. Trong suốt quá trình thử việc không được hưởng chế độ gì. Đến ngày 27/5/2013, bệnh viện đuổi việc cả 56 sinh viên...”.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã về Diễn Châu tìm gặp những “người trong cuộc”. Em P.T.B tốt nghiệp chuyên ngành Y học cổ truyền (Diễn Phúc, Diễn Châu) cho biết: “Chúng em tự nguyện viết đơn xin vào làm ở bệnh viện để được học việc chứ làm gì đã được nhận như phản ánh”. C.T.N tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng (Diễn An, Diễn Châu) cũng khẳng định: Sau khi ra trường với mong muốn được thử tay nghề, em cũng như các bạn đã viết đơn và được ban lãnh đạo bệnh viện duyệt để được vào học việc. Chỉ là học việc thôi nên cũng không đòi hỏi chế độ gì.

Khác với những ý kiến trên, người nhà em P.T.L (Diễn Thịnh, Diễn Châu) phản ánh: Nói là học việc nhưng thực chất là thử việc. Bởi không ai tự nhiên xin vào bệnh viện để làm không công mấy năm trời. Mục đích vào “học việc” ở đây là để tiếp cận vào biên chế bệnh viện. Bệnh viện đã nhận người vào thì phải có trách nhiệm, đi làm phụ hồ một ngày cũng có trăm rưỡi ngàn nữa là…

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Minh, cán bộ phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu cho rằng: “Hầu hết các cháu được nhận học việc vào nhiều thời điểm trong năm 2011. Theo nguyên tắc, đáng ra những người “học việc” phải đóng phí đào tạo nhưng bệnh viện đã không thu (!?)”. Bà Đinh Thị Hải Châu, nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, người trực tiếp phân các em về các khoa phòng, cho biết: Các em vào được phân đều về các khoa. Trung bình mỗi khoa có 6 em “học việc”. Các em đều làm tốt các phần việc như một nhân viên bệnh viện. Từ công tác vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, đến tiêm, truyền… Vì vậy, thời điểm đó cán bộ công nhân viên bệnh viện rất nhàn bởi phần nào công việc đã được các em gánh bớt, lương thưởng thì vẫn đảm bảo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khắc Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu cho biết: “56 em xin vào học việc đều có đơn. Sau khi vào, bệnh viện bố trí về 9 khoa phòng. Các em được thực hiện các việc như tiêm, truyền… cũng không bị ràng buộc về thời gian, không người kèm cặp…!”. Về lý do cho các em nghỉ, ông Tiến cho rằng: “Có trường hợp môi giới nói với bố mẹ các cháu rằng đã xin được hợp đồng của Sở Y tế cho các cháu rồi. Trong khi Sở Y tế không bao giờ ký hợp đồng công việc cho bất cứ người nào khi chưa có đề nghị của cơ sở (bệnh viện). Có người còn thắc mắc, cháu tôi học việc đã 2 năm nhưng sao vẫn không được tuyển dụng… Trước tình hình trên, để tránh những tin đồn, dư luận không tốt, với trách nhiệm là giám đốc, tôi quyết định cho các cháu hiện đang học việc ở các khoa phòng nghỉ, không tiếp tục học việc kể từ ngày 27/5/2013”.

Ông Lê Giang Nam, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế cho biết: Trong tháng 5/2012, Sở Y tế và Sở Nội vụ đi kiểm tra thấy số lượng học việc trước tuyển dụng tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu có đến trên 50 trường hợp là chưa phù hợp nên đã yêu cầu đơn vị chấm dứt việc sử dụng lao động theo hình thức này. Ông Nam đồng thời cho biết, vấn đề học việc trước tiên xuất phát từ nhu cầu nâng cao kiến thức của sinh viên sau khi ra trường, cùng với đó là hiện nay tình trạng bệnh viện quá tải, nhiệm vụ tăng lên trong khi số biên chế thì giữ nguyên, vì vậy thiếu nguồn nhân lực để chăm sóc bệnh nhân. Từ nhu cầu của cả 2 bên nên phát sinh vấn đề này.

Mặc dù Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu cho rằng nhận 56 em vào “học việc”, song có phải “học việc” hay không thì còn nhiều dấu hỏi? Không những thế, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu không phải là cơ sở dạy nghề, nên việc nhận người vào để “học việc”, “đào tạo” là không đúng với chức năng. Bệnh viện sử dụng lao động trong một thời gian dài mà không hề có chế độ gì là không hợp lý. Bởi nếu so sánh số học việc mỗi khoa 6 người, trong khi có khoa CBCNV chỉ 13 người (theo bà Đinh Thị Hải Châu, nguyên trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu cho biết), nghĩa là số học việc gần bằng một nửa CBCNV của khoa.

Vậy với những công việc được giao, những người “học việc” này sẽ làm những phần việc được gọi là “quá tải” của bệnh viện, hay là làm thay cho các y, bác sỹ ở các khoa phòng họ được phân công về “học việc”?! Dù phải đảm đương nhiều công việc bình thường như những y, bác sỹ tại các khoa phòng trong quá trình gọi là “học việc”, nhưng những người “học việc” lại không hề có chế độ gì! Phải chăng Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu đã lạm dụng sức lao động, chiếm đoạt tiền công mà đáng ra người lao động - những người “học việc” phải được hưởng?

Một vấn đề nữa đặt ra ở đây là, trong quá trình “học việc” tại bệnh viện, những người “học việc” không có người giám sát - hướng dẫn (theo như ông giám đốc bệnh viện cho biết - PV), vì vậy quá trình “học việc” nếu để xảy ra sai sót trong chuyên môn thì hậu quả cũng sẽ rất khó lường, lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chưa hết, “học” mà không có “thầy” thì không thể gọi là “học”!? Do đó, Sở Y tế cần phải chấn chỉnh và làm rõ vấn đề này, tránh để trường hợp “học việc” như thời gian qua ở Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu tiếp diễn. Về phía những người tự nguyện viết đơn “học việc”, cũng nên xem đây là bài học, không nên vì quá nôn nóng tìm việc mà bất chấp cả việc chỉ cần được vào làm, không cần đòi hỏi chế độ, trong khi đáng ra việc này phải được thoả thuận trước khi vào làm việc, tránh bị lạm dụng sức lao động như trong trường hợp này.

Luật sư Nguyễn Vinh Diện (Văn phòng Luật sư Vinh Diện và cộng sự) cho rằng: Các sinh viên nói trên không thuộc trường hợp học nghề theo quy định của pháp luật lao động vì Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu không phải là cơ sở dạy nghề; cũng không thuộc trường hợp thử việc vì giữa bệnh viện với các sinh viên chưa ký hợp đồng lao động... Bệnh viện cũng không nên nhận các em vào “học việc” với thời gian lâu như vậy mà không có chế độ gì, lại tạo cho các em và gia đình hy vọng sẽ được nhận vào làm việc.

Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

Tin mới