Kéo giá thuốc xuống cho dân nhờ?

(Baonghean) - Tại phiên họp chuyên đề ngày 21/3/2014 của Chính phủ bàn riêng về Luật Dược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các phó thủ tướng, các cơ quan liên quan “phải kéo giá thuốc ở các bệnh viện xuống, không thì dân khổ quá, vì thuốc là mặt hàng không bao giờ được trả giá, nói bao nhiêu mua bấy nhiêu, vay mượn cũng phải mua”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Để kéo giá thuốc ở các bệnh viện xuống, trước mắt Chính phủ phải thực hiện ngay 2 việc: Một, giải quyết dứt khoát việc giao cho Bộ nào chịu trách nhiệm chính về vấn đề giá thuốc, Bộ Y tế hay Bộ Tài chính? Hai, cần chấn chỉnh lại việc đấu thầu cấp thuốc ở các cơ sở y tế và ở các bệnh viện.
Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính về giá thuốc, nhưng bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Chính phủ giao việc như thế là “không giống ai, trên thế giới không ai làm như vậy!”. Bà bộ trưởng nói rằng: “Chính phủ phân công như vậy thì Quốc hội và nhân dân sẽ chê trách là Bộ Y tế vừa đá bóng, vừa thổi còi, thiếu công khai minh bạch, thiếu khách quan, dễ nẩy sinh tiêu cực…”. Tại cuộc họp chuyên đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chính thức đề nghị Bộ Tài chính nắm lấy trách nhiệm này và chủ động đưa ra đề xuất để tiến tới việc thành lập hội đồng quốc gia về giá thuốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại chần chừ, ông cho rằng, thời gian qua, Bộ Y tế quản lý giá thuốc là “ổn định”, Bộ Tài chính ủng hộ phương án lập hội đồng quốc gia về giá thuốc, nhưng người chủ trì vấn đề này vẫn là Bộ Y tế chứ không phải là Bộ Tài chính! 
Vậy là, việc giao cho bộ nào phụ trách chính để chịu trách nhiệm về giá thuốc còn phải tiếp tục bàn luận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua, một mình Bộ Y tế quản lý giá thuốc là có khó khăn, hạn chế, thì nay Bộ Tài chính cần phải chia sẻ. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao cho cả 2 bộ và các phó thủ tướng bàn bạc để có sự phân công phân nhiệm cho hợp lý, nhưng mục tiêu của Chính phủ dứt khoát là phải “kéo giá thuốc xuống, không thì dân khổ quá!”. Ý kiến đó được hội nghị tiếp thu như là một lệnh, các bộ, ngành có trách nhiệm bàn bạc và sớm thực hiện.
Muốn kéo giá thuốc xuống, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu kỹ và nhìn nhận đúng thực trạng việc đấu thầu thuốc lâu nay ở các cơ sở y tế, các bệnh viện. Từ đó, đề xuất phương án mới, cách làm mới tốt hơn. 
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Trong 63 tỉnh, thành, có khoảng 700 đến hàng nghìn hội đồng đấu thầu thuốc. Có tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung, có tỉnh giao cho mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu. Chúng ta chưa có luật riêng, chưa có cơ chế pháp lý thống nhất để quản lý việc này. Nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng “giá thuốc hiện nay như máy bay trực thăng, cứ bay ngược lên, không có chỗ đỗ!”. Và các đại biểu cũng đã nhận rõ một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng giá thuốc chữa bệnh hiện nay chính là sự thiếu công khai minh bạch trong các cách thức tổ chức hoạt động đấu thầu. Ông Nguyễn Phi Thường, ĐBQH (Hà Nội) nói rằng, hiện nay đang có hiện tượng“quân xanh, quân đỏ”, “cửa trước, cửa sau”, “đi đêm, lại quả”, “liên minh rút tiền”… rất phức tạp trong các hoạt động đấu thầu.
Giá cả mọi mặt hàng từ nhà ở, cầu đường, thuốc men… đều bị đội cao hơn giá thực tế rất nhiều lần. Chúng ta đang có những con đường, những chiếc cầu đắt nhất hành tinh thì cũng không loại trừ vấn đề giá thuốc như “trực thăng không chỗ đậu” mà một vài đại biểu Quốc hội vừa phát biểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên khẳng định: “Nếu giá thuốc được đấu thầu theo một cơ chế hợp lý, công khai, minh bạch thì ít nhất là giảm được 20%, có nghĩa là một năm chi 25.000 tỷ đồng thì có thể tiết kiệm được ít nhất là 5.000 tỷ đồng tiền BHYT. Hiện nay, 70% dân số đã có bảo hiểm y tế. Chính sách của Đảng, Nhà nước là phấn đấu để tiến tới cơ chế tài chính là bảo hiểm y tế toàn dân”. 
Song song với việc lập Hội đồng quản lý giá thuốc quốc gia, tăng cường việc giám sát và minh bạch hóa cơ chế đấu thầu thuốc, kiểm soát chặt chẽ giá cả đầu ra, đầu vào ở các xí nghiệp dược, chúng ta tin rằng, trong thời gian tới, những việc làm đó chắc chắn sẽ có tác động tích cực góp phần làm giảm giá thuốc chữa bệnh đang cao ngất ngưởng hiện nay...
Thạch Quỳ

Tin mới