Bảo hiểm y tế - bớt gánh nặng chi phí cho người có "H"

(Baonghean) - Từ ngày 15/8, Thông tư số 15/2015/TT-BYT chính thức có hiệu lực, người nhiễm HIV có bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả thuốc và các dịch vụ liên quan. Đây là tin vui đối với người nhiễm HIV trên cả nước nói chung bởi các loại thuốc và dịch vụ y tế dành cho họ từ các dự án viện trợ sắp kết thúc.

Chúng tôi có mặt tại Phòng khám, tư vấn và cấp thuốc cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vào chiều 1/9. Tại đây, rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đến làm thủ tục khám, chữa bệnh và nhận thuốc ARV. Anh Nguyễn Quang T, một bệnh nhân ở TP. Vinh đang có mặt tại phòng khám tâm sự, anh biết mình nhiễm bệnh từ năm 2001 sau những cuộc chơi không làm chủ được mình. Đến năm 2006, anh là một trong những người được uống viên thuốc ARV đầu tiên. Nhờ có thuốc và được khám, xét nghiệm chăm sóc y tế miễn phí thường xuyên, nên sức khỏe của anh khá tốt. Không những vậy, với sự nhiệt tình trong việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, anh được dự án tuyển làm nhân viên có phụ cấp hàng tháng và được tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, hiểu biết về căn bệnh này. Từ đó, anh trở thành tư vấn viên đặc biệt ở phòng khám, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và giúp đỡ những người nhiễm bệnh cách điều trị, chống lây nhiễm.
Khi nhận được thông tin từ ngày 15/8/2015, các loại thuốc và dịch vụ y tế liên quan được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, anh và mọi người rất vui: “Là nhân viên dự án, tôi biết rõ lộ trình kết thúc của các dự án viện trợ. Ở Nghệ An, đến năm 2017, người nhiễm HIV sẽ không còn được điều trị miễn phí như hiện nay nữa, thì việc bảo hiểm chi trả thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV thực sự là một điều rất mừng. Người nhiễm bệnh có chỗ dựa vững chắc và không còn phải thấp thỏm lo...”.
Cùng tâm trạng, bác H.V.H, đến từ huyện Quỳnh Lưu là người nhà của bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ, việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả thuốc cho người bệnh nhiễm HIV sẽ giúp các gia đình có người nhiễm bệnh như bác giảm được gánh nặng rất nhiều. Thuốc ARV và các xét nghiệm khác liên quan đều phải duy trì hàng tháng một cách thường xuyên. Khi dự án chấm dứt thì các gia đình nghèo sẽ không thể có tiền để duy trì thuốc. “Lâu nay, con tôi đã mua bảo hiểm y tế và sẽ tiếp tục mua trong thời gian tới. Quy định mới này giúp gia đình tôi yên tâm hơn rất nhiều”, bác H. nói.
Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Lâu nay, thuốc ARV và dịch vụ y tế dành cho người hiễm HIV đều được miễn phí hoàn toàn cho người điều trị từ nguồn vốn của các dự án, các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, World Bank VAAC-US.CDC... Hiện nay, nhiều loại dịch vụ y tế miễn phí cho người nhiễm HIV đã bị cắt giảm bớt. Theo lộ trình, đến tháng 4/2016 các dự án sẽ dừng nhận bệnh nhân mới điều trị ARV từ nguồn hỗ trợ và năm 2017, các dự án sẽ kết thúc, người điều trị HIV không được miễn phí các loại thuốc và dịch vụ y tế.
Theo bác sỹ Hoàng Văn Nhậm, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện là tư vấn viên của Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC), thì quy định mới của bảo hiểm y tế thực sự là “cứu cánh” cho bệnh nhân nhiễm HIV bởi những người nhiễm HIV không chỉ cần sử dụng thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm thường xuyên mà còn đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cơ hội, rất dễ mắc các bệnh khác. Nếu Quỹ Bảo hiểm không chi trả thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm khác, thì người bệnh không thể gánh nổi. Khi đó, quá trình điều trị ARV bị gián đoạn sẽ rất khó khăn trong điều trị... 
Nội dung chính của Thông tư 15 quy định, người nhiễm HIV có bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả các dịch vụ có liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ BHYT chi trả gồm: Được chi trả thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; Chi trả xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; chi trả kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chi trả khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ bụng mẹ nhiễm HIV.
Bác sỹ Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có hơn 5.000 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có hơn 3.000 người đang được điều trị. Những người này đang được khám, theo dõi và cấp phát thuốc thường xuyên tại các phòng khám đặt tại trung tâm y tế của các địa phương: TP. Vinh, Hưng Nguyên, Diễn Châu, TX. Thái Hòa, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Đô Lương và Bệnh viện Nhi Nghệ An, các trại giam số 3, số 6, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Trong đó, phòng khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh có số lượng bệnh nhân đông nhất với 1.180 người thường xuyên đến khám, tư vấn, nhận thuốc ARV thường xuyên.
Tại các phòng khám khác, hàng tháng đều có hàng trăm lượt bệnh nhân đến tư vấn, xét nghiệm và nhận thuốc miễn phí. Khi các dự án kết thúc, bệnh nhân nhiễm HIV ở Nghệ An sẽ không còn được miễn phí thuốc và các dịch vụ y tế khác. Thiếu đi chỗ dựa này, chắc chắn việc điều trị, giảm nguy cơ lây nhiễm sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn sẽ kéo theo những hệ quả xã hội khôn lường. Chính vì vậy, việc tư vấn, khuyến khích người nhiễm HIV tham gia mua bảo hiểm y tế hàng năm là việc làm cần kíp nhất lúc này. Phần đa những người nhiễm HIV là những người nghèo, nghiện ma túy, không có sinh kế ổn định, bền vững. Việc duy trì thuốc ARV và các dịch vụ y tế hàng tháng thực sự là một gánh nặng. Chưa kể, những người nhiễm HIV rất dễ mắc các bệnh khác vì hệ miễn dịch bị suy giảm. 
Lâu nay, một số bệnh nhân nhiễm HIV không quan tâm đến thẻ bảo hiểm y tế, bởi họ được cấp thuốc miễn phí; một số khác vẫn có tâm lý dè dặt, e ngại khi tham gia bảo hiểm y tế vì sợ bị công khai danh tính. Bên cạnh đó, quy định phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình cũng gây khó cho bệnh nhân nhiễm HIV vốn đã rất nghèo. Mặt khác, một số người lo lắng rằng khi có thẻ bảo hiểm y tế thì phải bắt buộc khám, chữa bệnh, xét nghiệm đúng tuyến gây ra nhiều khó khăn cho người nhiễm HIV bởi cả tỉnh hiện chỉ có khoảng 10 phòng khám ngoại chuyên khám, điều trị, phát thuốc ARV... 
Trước những băn khoăn, lo lắng của bệnh nhân, bác sỹ Lê Thị Hoa cho rằng, thẻ bảo hiểm y tế đều bình đẳng cho tất cả các đối tượng, không có loại thẻ nào dành riêng cho bệnh nhân nhiễm HIV, không cần phải kê khai thông tin nhiễm HIV nên không ảnh hưởng gì đến việc giữ bí mật danh tính cho người nhiễm bệnh. Các quy định của Luật Bảo hiểm hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Mặt khác, thực hiện lộ trình thông tuyến bảo hiểm, tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV tham gia bảo hiểm đều được khám, chữa bệnh, cấp thuốc ở tất cả các cơ sở y tế có chức năng điều trị bệnh nhân HIV nên người bệnh hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn phòng khám và các cơ sở y tế theo nguyện vọng của mình. “Trong quá trình khám, tư vấn, chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân mua bảo hiểm y tế bởi với chi phí hơn 600 ngàn đồng/năm, người bệnh sẽ hưởng lợi rất nhiều, thậm chí sẽ giảm được hàng chục triệu đồng tiền thuốc ARV, xét nghiệm và nằm viện điều trị mỗi năm. Đây cũng là chỗ dựa bền vững nhất cho bệnh nhân nhiễm HIV khi các dự án hết hạn”, bác sỹ Lê Thị Hoa khuyến cáo.
Nguyên Khoa
TIN LIÊN QUAN

Tin mới