Nghệ An có số người tử vong do bệnh dại ở mức cao

(Baonghean.vn) – Sáng 8/12, UBND tỉnh Nghệ An có buổi làm việc với  Ban chỉ đạo Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, bàn các giải pháp phòng chống bệnh dại, tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2020.

Tham dự buổi làm việc, về phía Ban chỉ đạo Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, trưởng ban chỉ đạo; Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Nghệ An, các địa phương, ban ngành liên quan.

Buổi làm việc hướng tới mục tiêu loại trừ Bệnh đại trên địa bàn vào năm 2020.
Buổi làm việc hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020.

Nghệ An là tỉnh có bệnh dại lưu hành nhiều năm nay và là một trong những tỉnh có số người tử vong cao do bệnh dại. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 31 ca tử vong (năm 2013 có 10 ca, năm 2014 có 10 ca, năm 2014 có 11 ca).

Toàn bộ các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tư vấn và tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại. Một số địa phương liên tục nhiều năm có bệnh nhân tử vong do bệnh dại gồm: Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn.

Tình hình bệnh dại ở động vật xảy ra rải rác trên địa bàn, tổng số súc vật lên cơn dại trong 2 năm 2014 và 2015 là 747 con. Thời gian cao điểm xuất hiện bệnh dại ở động vật vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

Thời gian qua, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh dại ở người và trên động vật. Các biện pháp chủ yếu tập trung vào hoạt động truyền thông và tiêm vắc xin phòng bệnh dại…Tuy nhiên, Nghệ An hiện đang là tỉnh có số người tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước.

GS,TS Nguyễn Trần Hiển chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống bệnh dại, đặc biệt là bài học về công tác tuyên truyền.
GS,TS Nguyễn Trần Hiển chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống bệnh dại, đặc biệt là bài học về công tác tuyên truyền.

Tại buổi làm việc, các ý kiến tham gia phát biểu đã chỉ ra thực trạng: Hiện số tổng đàn chó trên địa bàn chưa được thống kê chính xác; Tỷ lệ tiêm phòng dại cho động vật mới chỉ đạt trên 30% so với kế hoạch của tỉnh; Bệnh dại mới chỉ được phát hiện khi xuất hiện ca mắc; Chính quyền cấp xã chưa vào cuộc trong việc phòng chống, đặc biệt là ở miền núi; Nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại chưa cao.

Thay mặt Ban chỉ đạo chương trình, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển đã những chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh dại đặc biệt trong việc phối hợp nguồn lực, hoạt động giám sát, xử phạt, vận động người dân thực hiện tốt việc tiêm phòng dại cho động vật.

Tiếp thu những góp ý, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, đồng chí Hoàng Viết Đường cam kết: Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục nâng cao nguồn lực, thực hiện xuyên suốt công tác chỉ đạo phòng chống bệnh dại; Nêu cao trách nhiệm, tăn cường sự phối hợp của cán Bộ Y tế, trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống; Đẩy mạnh mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức tự bảo vệ mình của người dân, 100% số người khi bị chó cắn đi tiêm phòng đầy đủ…/.

 Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới